Các nhà khoa học nữ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Đó là lời nhấn mạnh của Ủy viên TƯ Đảng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - tại Hội nghị Mạng lưới các Nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương (APNN) lần thứ 8 với chủ đề 'Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số', diễn ra sáng 18/10 ở Hà Nội.

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào sự phát triển toàn diện, bền vững của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn cầu.

Ủy viên TƯ Đảng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN, Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu và có các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, trí thức đã từng bước trưởng thành. Tỷ lệ nữ thạc sỹ năm 2014 là 43%, nữ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học là 21%; tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2012-2016 là 24,6%. Nhiều phụ nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Triển lãm “Phụ nữ trong Khoa học và Sáng tạo” trong khuôn khổ Hội nghị sẽ minh chứng phần nào cho điều đó.

Các đại biểu tham gia Hội nghị

Còn theo TS Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - tỷ lệ nhà khoa học nữ Việt Nam ngày càng tăng, từ 41,6% (2011) lên 44,9 % (2015). Vì vậy, sự đóng góp của phụ nữ nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng là vô cùng quan trọng và to lớn. Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc như: Bà Trần Hà Liên Phương và bà Nguyễn Thị Hiệp đã được nhận Giải thưởng quốc tế dành cho tài năng trẻ L’Oreal do UNESCO trao tặng năm 2015 và 2018. Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA bà Nguyễn Thị Hòe đã tự nghiên cứu các loại sơn chống thấm, sơn nano từ vỏ trấu… và trở thành doanh nghiệp lớn có nhà máy tại Singapore, Malaysia, Campuchia. Đây là những tấm gương khích lệ cho các em gái dấn thân vào con đường khoa học.

Bà Nguyễn Thị Hòe (giữa), Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA, trò chuyện cùng các đại biểu

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc trực tiếp đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chị là những tấm gương khuyến khích cho các em gái học các môn STEM nhằm thích ứng với những sự thay đổi của xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại thách thức mà còn mở ra cơ hội cho các em gái, khi những công việc đòi hỏi trí tuệ và đổi mới sáng tạo là xu thế và những công việc cần sức nặng cơ bắp được dần thay thế bởi các robot.

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cac-nha-khoa-hoc-nu-dong-vai-tro-quan-trong-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post49983.html