Các nhà khoa học phát hiện ra hai loài cây ăn thịt mới cực hiếm

Hai loài mới lần lượt được tìm thấy trên bờ của một đầm lầy cao nguyên ở độ cao 3.400 mét và trên bề mặt vực đá gần như thẳng đứng ở độ cao 2.900 mét. Chúng chỉ có khoảng 15 gốc mỗi loài.

Một nhóm các nhà thực vật học từ Ecuador, Đức và Mỹ đã phát hiện được hai loài cây ăn thịt khác biệt mới đáng chú ý vì vẻ ngoài nổi bật của chúng. Hai loài này là chi mới của họ bơ (được biết đến với tên khoa học là chi Pinguicula), một nhóm thực vật có hoa ăn côn trùng bao gồm khoảng 115 loài.

Lá của chúng có kết cấu tạo chất dính giúp chúng bắt và tiêu hóa côn trùng nhỏ. Trong khi phần lớn cây họ bơ được tìm thấy ở bán cầu bắc, thì hai loài mới được phát hiện gần đây này nằm ở các vùng cao phía nam Ecuador, gần biên giới với Peru.

Cây Pinguicula ombrophila

Cây ăn thịt, thường được tìm thấy trong các vùng đất nghèo dinh dưỡng, sử dụng động vật (thường là côn trùng nhỏ) làm nguồn dinh dưỡng bổ sung. Sự thích nghi độc đáo này mang lại cho chúng lợi thế cạnh tranh so với các loài thực vật khác, tạo điều kiện cho chúng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt. Vùng cao nhiệt đới trên dãy núi Andes có nhiều kiểu môi trường đầy thách thức như vậy, từ đầm lầy đến địa hình đá liên tục ngập trong mưa và bị mây bao phủ quanh năm.

Hai loài mới được mô tả trong nghiên cứu là Pinguicula jimburensis và Pinguicula obrophila. Chúng lần lượt được tìm thấy trên bờ của một đầm lầy cao nguyên ở độ cao 3.400 mét và trên bề mặt vực đá gần như thẳng đứng ở độ cao 2.900 mét. Môi trường sống quy mô nhỏ của chúng nằm trong khu vực được gọi là Amotape-Huancabamba, gồm phần lớn phía nam Ecuador và phía bắc Peru. Khu vực này được đặc trưng bởi sự đa dạng sinh học đặc biệt, một phần là do địa hình gồ ghề và khí hậu đa dạng của dãy núi Andes cung cấp rất nhiều môi trường sống tách biệt quy mô nhỏ.

Tác giả Tilo Henning của Trung tâm Nghiên cứu Cảnh quan Nông nghiệp Leibniz (ZALF), một chuyên gia về họ thực vật này ở khu vực này, cho biết: “Môi trường sống thích hợp của loài càng nhỏ và càng phân tán thì thành phần trong loài càng nhỏ”. Nhóm của Álvaro Pérez từ Đại học Pontifica Catolica del Ecuador là những người đầu tiên phát hiện ra loài thực vật này. Sau đó, họ đã liên lạc với Henning.

Cây Pinguicula jimburensis

Henning cho biết: “Cả hai loài mới này chỉ được biết đến từ một địa điểm duy nhất, nơi chỉ có vài chục cá thể thực vật xuất hiện trong mỗi loài. Mỗi loài chỉ có một quần thể với khoảng 15 cá thể trưởng thành được phát hiện, khiến chúng dễ bị tổn thương ngay cả khi ẩn mình trong khu vực biệt lập, khó tiếp cận. Loài đặc hữu hẹp này (phân bố hạn chế trong một khu vực cụ thể) là điển hình ở khu vực Amotape-Huancabamba và còn có nhiều loài động thực vật mới đang chờ khám phá.

Với việc mô tả hai loài mới này, số lượng loài Pinguicula được ghi nhận ở Ecuador đã tăng gấp ba lần. Trước đây chỉ có P. calyptrata được biết đến, nhờ Alexander von Humboldt và Aimé Bonpland thu thập tại Saraguro (tỉnh Loja, Ecuador) trong chuyến thám hiểm 5 năm tới Nam Mỹ (1799–1804). Các tác giả tin chắc rằng có nhiều loài mới đang chờ được giới khoa học chính thức công nhận nhưng gần đây họ thừa nhận rằng, đó là một cuộc chạy đua với thời gian.

Henning, Pérez và các đồng nghiệp của họ viết trên tạp chí PhytoKeys một bài chuyên đề khoa học dành riêng cho các loại cây mới đã được công bố: “Các kết quả được trình bày trong nghiên cứu này cho thấy rằng việc đánh giá đa dạng sinh học ở khu vực Tân nhiệt đới còn lâu mới hoàn thiện. Ngay cả trong các nhóm loài nổi tiếng như cây ăn thịt, các đơn vị phân loại mới liên tục được phát hiện, đặc biệt là từ các vùng sâu vùng xa khó có thể tiếp cận được. Điều này vừa đáng mừng vui, vừa đáng lo ngại”.

Tại sao lại đáng lo ngại? Henning chỉ ra: “Sự mở rộng đô thị không ngừng và sự phá hủy môi trường sống kèm theo gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học nói chung, cũng như đối với các sinh vật chuyên biệt và gắn bó phụ thuộc chặt chẽ vào môi trường sống hạn hẹp mong manh của chúng nói riêng. Hiện cả hai loài mới tương đối an toàn trước sự can thiệp trực tiếp của con người – vì cả hai đều được phát hiện ra trong các khu vực được bảo vệ. Thế nhưng, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang ngày càng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái bất kể vị trí, đặc biệt là những hệ sinh thái dựa vào lượng mưa thường xuyên, chẳng hạn như vùng đất ngập nước trên núi.

Sự phụ thuộc vào khí hậu thậm chí còn được phản ánh trong tên của một trong hai loài mới: Pinguicula ombrophila có nghĩa là "cây bơ ưa mưa", vì loài cây này ưa điều kiện rất ẩm ướt, nhận độ ẩm từ đất paramo ngập úng và thường xuyên được tưới nước từ mưa và sương mù đặc trưng cho khu vực này.

Pinguicula L., chi lớn thứ hai của họ thực vật ăn thịt đặc biệt nhất – Lentibulariaceae ( Lamiales ) – bao gồm khoảng 115 loài (theo Fleischmann 2021). Chi này phân bố khắp Âu-Á và Châu Mỹ, phần lớn không có ở Châu Phi (chỉ có Ma-rốc) và không có ở Châu Đại Dương và Nam Cực. Khoảng một nửa số loài phân loại xuất hiện ở Mỹ Latinh với trung tâm đa dạng ở Mexico: khoảng 40 loài đặc hữu. Mặc dù có sự đa dạng cao ở Trung Mỹ, Mexico và Caribbean, nhưng chỉ có một số loài được biết đến từ Nam Mỹ và bị giới hạn ở khu vực dãy núi Andes. Hiện tại, hầu hết các tác giả đã công nhận 7 loài ở đây.

Đáng chú ý là tất cả các loài được mô tả gần đây đều là loài đặc hữu hẹp ( P. jarmilae , P. nahuelbutensis & P. rosmarieae ), trong khi các loài được mô tả trước đây thường có phạm vi phân bố rộng hơn. Điều này đã chỉ ra rằng số lượng tương đối thấp các đơn vị phân loại được biết đến từ Andes. Nhưng người ta tin đó là kết quả của việc thu thập sơ sài và thiếu các nghiên cứu phân loại, hơn là do tình trạng ít giống loài trên thực tế của khu vực.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-nha-khoa-hoc-phat-hien-ra-hai-loai-cay-an-thit-moi-cuc-hiem-200723.html