Các nhà khoa học tiết lộ bí mật xây dựng Kim tự tháp Ai Cập

Phát hiện mới tại mỏ đá gần Luxor có thể sẽ là lời giải cho bí mật xây dựng Kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại, mà bấy lâu nay khoa học hiện đại vẫn đang tìm kiếm.

Kim tự tháp Ai Cập

Kim tự tháp Ai Cập

Một nhóm các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Khảo cổ Phương Đông (Pháp) ở Cairo và Đại học Liverpool (Anh) đã phát hiện ra một hệ thống mà người Ai Cập cổ đại có thể đã sử dụng để xây dựng các kim tự tháp. Thông tin này được đăng tải trên tờ Science Alert.

Tại một trong những mỏ đá gần Luxor, nơi người Ai Cập khai thác đá Alabaster, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một đoạn đường dẫn có thể được sử dụng để vận chuyển các khối đá khổng lồ để xây kim tự tháp. Ước tính, con đường này có niên đại ít nhất là 4.500 năm.

Hệ thống bao gồm một đoạn đường nối trung tâm và sườn dốc với cầu thang và lỗ hổng ở hai bên. Người Ai Cập có thể sử dụng các cọc gỗ quấn dây thừng chèn vào các lỗ hổng. Khối đá khổng lồ được cố định trên một chiếc xe giống như "xe trượt tuyết" bằng gỗ. Sau đó, các công nhân xây dựng kéo dây thừng và di chuyển các khối đá lên khỏi mỏ đá trên dốc khoảng 20 độ.

Các nhà khoa học trước đây cũng từng đặt giả thuyết cho rằng người Ai Cập cổ đại sử dụng các cấu trúc tương tự, nhưng đây là lần đầu tiên họ tìm thấy một hệ thống như vậy.

Kim tự tháp Ai Cập –là một trong những tòa nhà bằng đá tồn tại lâu đời nhất trên trái đất. Hầu hết chúng được xây dựng để làm lăng mộ cho các Pharaon.

Một trong những công trình tiêu biểu có thể kể đến là Đại kim tự tháp Giza, kim tự tháp nổi tiếng nhất nằm ở ngoại ô Cairo, được xây dựng từ 2,3 triệu khối đá có tổng trọng lượng là 5,9 triệu tấn, với mỗi khối đá nặng từ 2 đến 30 tấn, có khối đá nặng 50 tấn.

Quần thể kim tự tháp Giza bao phủ một khu vực rộng 55.000 m2, bao gồm Kim tự tháp Khufu (còn gọi là kim tự tháp Kheops, được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại), Kim tự tháp Khafre (hay Kephren); Kim tự tháp Menkaure (hay Mykerinus), và một số công trình kim tự tháp cho vương phi và tượng nhân sư.

Cho đến giờ, khoa học hiện đại vẫn chưa thể hiểu được người cổ đại đã dùng phương pháp gì để xây dựng công trình khổng lồ, có khối lượng lớn đến thế tại Ai Cập.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cac-nha-khoa-hoc-tiet-lo-bi-mat-xay-dung-kim-tu-thap-ai-cap-post280627.info