Các nhà lãnh đạo đánh giá tích cực Hội nghị Nhóm Bộ tứ Normandy

Các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã thông qua tuyên bố chung 3 điểm về kết quả hội nghị Bộ tứ Normady, đồng thời đã thảo luận việc trao đổi những người bị bắt giữ.

(Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy ở Paris (Pháp). (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy ở Paris (Pháp). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy vừa kết thúc tại Paris (Pháp) đã đạt được nhiều kết quả tích cực với tuyên bố chung 3 điểm khẳng định kết quả của hội nghị.

Các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã thông qua tuyên bố chung 3 điểm về kết quả hội nghị Bộ tứ Normady, bao gồm Thỏa thuận Minsk về Donbass tiếp tục là nền tảng cho công việc của Bộ tứ Normandy; bổ sung thêm điều khoản mới trước cuối tháng 3/2020 về việc phân chia bố trí lực lượng ở vùng Donbass; các nhà lãnh đạo Bộ tứ Normandy cam kết ủng hộ việc thực thi toàn diện chế độ ngừng bắn ở Dobass đến cuối năm nay, kêu gọi các bên tổ chức trao đổi người bị bắt giữ trước cuối năm 2019.

Tại họp báo chung sau đó, Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky tuyên bố tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã thảo luận việc trao đổi những người bị bắt giữ và dự kiến diễn ra trước ngày 31/12 tới đây.

Cũng theo ông Zelensky, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tới sự cần thiết duy trì lệnh ngừng bắn tại Donbass đến cuối năm nay và kế hoạch mới về rà phá bom mìn tại các vùng lãnh thổ miền Đông Ukraine.

Tổng thống Zelensky nêu lập trường của Kiev về việc khôi phục toàn diện việc kiểm soát biên giới với Nga. Ông đồng thời tuyên bố chính quyền Ukraine không cho phép việc thay đổi Hiến pháp nước này hướng đến liên bang hóa đất nước.

Ông Zelensky nhấn mạnh một giải pháp tổng thể nhằm giải quyết các vấn đề tại khu vực Donbass của Ukraine không thể thiếu việc đảm bảo an ninh.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá tích cực hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy và tuyên bố chung được thông qua đã khẳng định vai trò không thể thay thế của Thỏa thuận Minsk về vấn đề Donbass.

Ông tuyên bố Nga sẽ nỗ lực đóng góp vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, tiến trình này đang diễn ra đúng hướng với những bước tiến cụ thể như trao đổi tù nhân, rút quân khỏi 3 điểm nóng ở khu vực giới tuyến theo thỏa thuận.

Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron đã thông báo hội nghị tiếp theo của nhóm được lên kế hoạch sẽ diễn ra sau 4 tháng nữa để phân tích về các nhiệm vụ đã đề ra. Theo ông, hội nghị này cho phép giải quyết một loạt các vấn đề liên quan đến giải quyết vấn đề miền Đông Ukraine.

Đánh giá về kết quả hội nghị tại Paris, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định Nhóm Bộ tứ Normandy đã vượt qua được khoảng lặng trong việc giải quyết vấn đề Donbass. Theo đó, các nhà lãnh đạo dự hội nghị đã nhất trí cần nhanh chóng đạt được những bước tiến chính trị hướng tới tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại Donbass.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy, tổng thống hai nước Nga và Ukraine cùng các quan chức Bộ Năng lượng và lãnh đạo hai tập đoàn khí đốt Gazprom và Naftogaz đã tiến hành đàm phán về vấn đề vận chuyển khí đốt.

Cuộc gặp diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi, sau đó tổng thống hai nước đã có cuộc gặp tay đôi ngắn đầu tiên.

Theo Chủ tịch tập đoàn Naftogaz Yury Vitrenko, các quan chức hai nước đã có cuộc đàm phán mang tính xây dựng về vấn đề vận chuyển khí đốt và đã đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, việc ký kết sẽ chưa thể tiến hành ngay mà cần phải có các cuộc đàm phán tiếp theo.

Lần gần đây nhất hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ Normandy về tình hình Ukraine được tiến hành là vào năm 2016 tại thủ đô Berlin của Đức.

Cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này đã nổ ra từ năm 2014. Theo các số liệu thống kê của Liên hợp quốc, cuộc xung đột kéo dài 5 năm này đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người./.

Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-nha-lanh-dao-danh-gia-tich-cuc-hoi-nghi-nhom-bo-tu-normandy/612219.vnp