Các nhà lãnh đạo thế giới cố gắng tháo 'ngòi nổ' căng thẳng giữa Nga và Ukraine

Sau khi Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine bị cho là vi phạm lãnh hải Nga ở gần bán đảo Crimea, các nước đã lên tiếng với hy vọng giảm căng thẳng giữa hai nước sau sự việc này.

Hoạt động tuần tra hải quân đã được khôi phục trên eo biển Kerch

Ngoại trưởng Đức đã thúc giục Nga và Ukraine giảm bớt căng thẳng sau vụ va chạm hải quân ngoài bờ biển Crimea. Áo cho biết việc Kiev đang áp đặt thiết quân luật là một bước đi “đáng lo ngại” trước kỳ bầu cử tổng thống Ukraine.

Một vụ chạm trán giữa các tàu hải quân Ukraine và lực lượng bảo vệ bờ biển Nga ngoài bờ biển Crimea là một sự kiện “báo động” – Ngoại trưởng Đức Heiko Mass cho biết. Ông kêu gọi cả hai bên giảm leo thang, đồng thời chỉ trích Nga vì cho rằng đã “chặn đường đi tới biển Azov”.

Nói tại Madrid, ông Mass cho biết Đức và Pháp có thể đóng vai trò “trung gian” giữa Nga và Ukraine “trong trường hợp cần thiết”. Berlin và Paris sẵn sàng tham gia vào cấp ngoại giao này để ngăn chặn “cuộc xung đột này leo thang”.

Một láng giềng của Đức là Áo cũng đặc biệt lo ngại về sự việc. Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl hứa rằng Vienna sẽ làm hết sức để “giảm leo thang”. Bà cho biết Áo sẽ thảo luận vấn đề này với các nước thành viên EU.

Bà Neissl sau đó nói rằng Ukraine đã thông báo “hợp lý” cho Nga về việc tàu đi qua – một việc mà các nhà chức trách Nga bác bỏ, tuy nhiên Bộ trưởng Áo chỉ trích các biện pháp mà Kiev muốn thực hiện và cũng cho rằng đây là bước đi “đáng lo ngại”.

“Trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Ukraine, không nên để việc gì tác động tiêu cực tới một quá trình tự do và dân chủ”- bà nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho biết bà Theresa May lên án “hành động gây hấn” của Nga đối với Ukraine.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng “lên án việc Nga sử dụng vũ lực” chống lại tàu Ukraine, đồng thời buộc tội Moscow “khinh thường các tiêu chuẩn quốc tế”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng lên án Nga dùng vũ lực ở biển Azov và kêu gọi Moscow “kiềm chế những khiêu khích hơn nữa”. Ông nói rằng châu Âu sẽ đoàn kết để hỗ trợ Ukraine.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc thúc giục các bên không làm tăng căng thẳng ở Biển Đen. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị các bên “đạt được sự đồng thuận và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn”.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không thích những gì đang xảy ra giữa Nga và Ukraine và bày tỏ hy vọng chuyện này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ thúc giục ông Trump tăng viện trợ cho Ukraine trước cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin.

7 giờ sáng ngày 25/11 (giờ Nga), 3 tàu của Hải quân Ukraine đi qua biên giới biển của Nga tại Biển Đen, hướng về eo biển Kerch. Cơ quan an ninh Nga FSB cho rằng lần này Ukraine không thông báo trước cho phía Nga như những lần trước đó. Sĩ quan Nga yêu cầu các tàu Ukraine rời khỏi lãnh hải Nga nhưng các tàu Ukraine không tuân thủ.

11h30, thêm 2 tàu của Ukraine rời cảng Berdyansk trên biển Azov và hướng về phía eo biển Kerch, nhưng 2 tàu này cuối cùng đã quay trở về cảng.

Nga triển khai tàu chở hàng lớn cùng các tàu quân sự hộ tống chặn lối vào duy nhất qua eo biển Kerch. Nga cũng đưa máy bay tới để tăng cường an ninh tại khu vực các tàu Ukraine đã xâm phạm lãnh hải.

Các tàu Ukraine vẫn tiếp tục hành trình mà họ khẳng định đã thông báo cho Nga. Cuối cùng, FSB cho biết các tàu Nga đã phải nổ súng vào 3 tàu Ukraine vì các tàu này không dừng cuộc hành trình. Kết quả là 3 thủy thủ Ukraine bị thương và được điều trị, đồng thời các tàu Ukraine đã bị Nga bắt giữ.

Hải Yến -Theo RT

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cac-nha-lanh-dao-the-gioi-co-gang-thao-ngoi-no-cang-thang-giua-nga-va-ukraine-3966226-d.html