Các nhà nghiên cứu nói gì về truyền thuyết trăm trứng

Dù được ẩn sau lớp sương mù của thần thoại hư ảo, nhưng truyền thuyết bọc trăm trứng, nhìn ở góc độ tín ngưỡng, văn hóa dân gian, vẫn là sợi dây kết nối nghĩa 'đồng bào'.

Lâu nay chúng ta vẫn biết rằng từ truyền thuyết bọc trăm trứng liên quan đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam gọi nhau là "đồng bào", với ý nghĩa chung một bọc sinh ra, chung một nguồn gốc. Sách Lĩnh Nam chích quái và nhiều tài liệu khác thời xưa đã đề cập đến truyền thuyết ấy.

Từ truyền thuyết bọc trăm trứng

Nội dung truyền thuyết này, đại lược như dưới đây, ghi theo Đại Việt sử ký toàn thư: "Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: 'Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó'. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua".

Về sau, trong nghiên cứu về lịch sử, nhân chủng, dân tộc học... nhiều nhà nghiên cứu nước ta đã có những luận giải khác nhau liên quan đến truyền thuyết thiêng liêng này. Ở đây, chúng tôi chỉ lấy dăm tác phẩm liên quan nửa đầu thế kỷ XX mà dẫn như một sự tổng hợp nhỏ, dẫu biết rằng về sau, rất nhiều công trình ở các lĩnh vực khoa học xã hội phân tích, mổ xẻ vấn đề này.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, sách Abrégé de l'histoire d'Annam của Alfred Schreiner xuất bản năm 1906, sau được diễn ra quốc ngữ với tên Đại Nam quốc lược sử đã đề cập tới truyền thuyết bọc trăm trứng trong phần về "Họ Hồng Bàng". Tác giả tỏ ra rất thạo về truyền thuyết này khi kể lại. Nhưng với góc nhìn của phương Tây duy lý, Alfred Schreiner nhận định cá nhân:

"Khi ta để dẹp chuyện thất bổn ấy lại, ta tưởng đến sau, khi Lạc Long Quân thăng hà, mấy thái tử người phân ly tử biệc [biệt] nhau. Lớp theo hoàng hậu trở về, hoặc ở lại với dân trong núi, lớp khác đi xuống bải [bãi] biển cùng dựng nghiệp nơi miền nay có khi là tỉnh Quảng Đông lúc nầy. Vì vậy, mấy người thứ nhứt làm dân An Nam, còn lớp con thứ hai lại sanh người Tàu".

Như vậy, theo Alfred Schreiner, truyền thuyết trên mang tính tam sao thất bản và không thực. Nhưng trong tính thần thoại ấy, vẫn có những yếu tố lịch sử giải thích cho gốc tích rạch ròi giữa người An Nam với lớp cư dân khác.

Về sau, cuốn sử mang tính hệ thống của Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược, xuất bản lần đầu năm 1928, đề cập đến họ Hồng Bàng, đã liên hệ với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ mà chúng ta đã quen thuộc. Từ truyền thuyết trên, sách viết:

"Gốc tích chuyện này có lẽ là từ Lạc-long-quân về sau, nước Xích-quĩ [quỷ] chia ra những nước gọi là Bách Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ Quảng (tỉnh Hồ-nam, tỉnh Quảng đông và tỉnh Quảng-tây) còn xưng là đất Bách Việt. Đây cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích xác được".

Hiện nay vẫn được tái bản nhiều lần, sách Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh ở lần xuất bản đầu tiên năm 1938 đã tìm hiểu về "người Việt Nam". Dù nhận định rõ truyền thuyết bọc trăm trứng mang yếu tố hoang đường về thủy tổ của giống người Việt Nam, song Vệ Thạch cũng cho rằng:

"Chuyện ấy tuy là hoang đường, song tất cũng có ý nghĩa. Có lẽ nó chỉ là sự phân liệt của nước Xích Quỷ thành những nước gọi là Bách Việt, nhưng đó chỉ là một điều phỏng đoán".

 Lạc Long Quân và Âu Cơ qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long.

Lạc Long Quân và Âu Cơ qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long.

Đến những kiến giải gốc nguồn

Xuất bản năm 1944, Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại của Lương Đức Thiệp dành Chương I để bàn về "Gốc tích dân tộc Việt Nam". Trước khi đi vào những luận cứ khoa học để dẫn giải, tác giả đề cập đến truyền thuyết bọc trăm trứng. Nhưng lưu ý rằng muốn rõ về gốc tích thật của dân tộc, cần phải loại bỏ những yếu tố hoang đường, những quan niệm thần bí, trong đó có thuyết về bọc trăm trứng.

Là những nhà khoa học Pháp hiện diện ở đất Việt thời gian trước 1945, Pirre Huard và Maurice Durand trong tác phẩm Connaissance du Viet Nam (Hiểu biết về Việt Nam, xuất bản năm 1954), đã có những kiến giải của mình về truyền thuyết nguồn gốc dân tộc Việt.

Sau khi đề cập tới gốc gác liên quan tới Thần Nông, nước Xích Quỷ, Kinh Dương Vương, hai tác giả nói về cuộc hôn nhân Lạc Long Quân và Âu Cơ. Có đoạn, "Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau và làm chủ nước Xích Quỷ. Âu Cơ đẻ ra một cái bọc bằng thịt, chứa một trăm quả trứng. Sau năm sáu ngày, những trứng đó nở ra một trăm người con trai".

Tiếp sau đó là cuộc chia ly đôi ngả để rồi dẫn tới sự hình thành nước Văn Lang của 18 đời vua Hùng. Diễn giải tiến trình lịch sử của nước Việt thời gian này, hai tác giả viện dẫn cả những truyền thuyết liên quan đến dưa hấu đỏ, trầu cau...

Trong tác phẩm Người Việt đất Việt (xuất bản năm 1967), Toan Ánh và Cửu Long Giang khi đề cập tới "gốc tích dân tộc Việt Nam", cũng đã liên hệ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ: "Theo truyền thuyết: Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trứng nở ra trăm con, thì dân tộc Việt Nam thuộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Đã là truyền thuyết, tất hoang đường. Nhưng nếu gạt ra ngoài cái vỏ hoang đường ta thấy truyền thuyết ấy có một vài sự thực".

Sau khi nghiên cứu nhân chủng học, ngôn ngữ học và khảo cổ học, các tác giả đưa ra kết luận rằng: "Do ở vị trí địa lý thuận lợi cho nên từ thời thái cổ, tổ tiên ta đã mở rộng vòng tay đón nhận những giống dân ở tứ phương kéo đến, đồng hóa họ, và tạo nên dân tộc Việt Nam ngày nay. Dân tộc Việt Nam do đó, vốn là một giống người hợp chủng. Vì là hỗn tạp nhiều giống người, cho nên, hơn bất kỳ một dân tộc nào khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam có tinh thần cởi mở, dễ dàng tiêu hóa, hòa hợp với các nguồn văn minh của mọi giống người từ các nơi kéo tới".

Kết luận trên, giải thích cho tính đa dạng của cộng đồng các dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Và cũng từ truyền thuyết này, tiếng gọi thiêng liêng "đồng bào" với ý nghĩa "Cùng một bọc cha mẹ sinh ra [...] Nghĩa rộng: Người cùng một nước" (Việt Nam tự điển, 1931) trở thành tiếng gọi thiêng liêng gắn kết các dân tộc anh em, không phân biệt người Kinh, Ba Na, Ê Đê hay Chăm, Hoa, Tày, Nùng...

Và người dân Việt Nam hiện nay trên khắp 63 tỉnh, thành, cứ đến ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, lại cùng hướng về cội nguồn chung của dòng dõi con Rồng cháu Tiên ấy, như câu ca dao ngân nga:

"Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba".

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nha-nghien-cuu-noi-gi-ve-truyen-thuyet-tram-trung-post1426605.html