Các nhà sản xuất máy chủ hàng đầu Trung Quốc ngừng đặt hàng mô đun bộ nhớ chứa chip Micron

Các nhà sản xuất máy chủ hàng đầu Trung Quốc, gồm cả Inspur Group và Lenovo Group, đã yêu cầu nhà cung cấp tạm dừng vận chuyển lô hàng mô đun chứa chip do Micron Technology sản xuất, sau khi chính quyền áp đặt lệnh cấm với những sản phẩm của công ty Mỹ này, theo trang SCMP.

Chip DRAM được sử dụng trong các mô đun bộ nhớ cho máy chủ. Đó là thành phần thường được cung cấp bởi Micron Technology và Samsung Electronics (Hàn Quốc), nguồn tin của SCMP cho biết.

Việc tạm ngừng các đơn đặt hàng này nhấn mạnh tác động ngay lập tức mà lệnh cấm của Trung Quốc gây ra với Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ.

Thị trường Trung Quốc là một trong những nguồn tạo doanh thu chính cho Micron Technology, đóng góp khoảng 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD của công ty Mỹ vào năm 2022.

Micron Technology dự kiến tổng doanh thu của mình sẽ bị thiệt hại ở mức một con số do lệnh cấm. Trong đó, Trung Quốc cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ở nước này mua sản phẩm của công ty Mỹ.

Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, Inspur Group (đang chịu lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ) và Lenovo Group là hai trong những hãng mua sản phẩm Micron Technology nhiều nhất.

Lệnh cấm cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất mô đun bộ nhớ và nhà cung cấp bên thứ ba.

Huang Leping, nhà phân tích tại hãng Huatai Securities, nói các nhà sản xuất mô đun bộ nhớ Trung Quốc sẽ phải thay đổi danh mục sản phẩm của họ do lệnh cấm Micron Technology.

Shenzhen Longsys Electronics, một trong những hãng sản xuất mô đun bộ nhớ hàng đầu Trung Quốc, coi Micron Technology là nhà cung cấp hàng đầu của mình từ năm 2018 đến giữa 2021, với việc mua hàng từ công ty Mỹ vượt quá 33% tổng số hợp đồng mua sắm hàng năm giai đoạn này.

Văn phòng của Micron Technology ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Văn phòng của Micron Technology ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Vào tháng 3, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã khởi động cuộc điều tra an ninh quốc gia với các sản phẩm Micron Technology để “bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng do các sản phẩm có vấn đề”.

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên một công ty bán dẫn nước ngoài bị Trung Quốc đưa vào diện xem xét an ninh mạng và được coi là hành động trả đũa việc chính quyền Biden thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến của Mỹ sang Trung Quốc.

CAC không tiết lộ kiểm tra những sản phẩm nào của Micron Technology hoặc các phương pháp mà họ đã sử dụng.

Bộ thương mại Mỹ hôm 22.5 cho biết lệnh cấm Micron Technology và việc chính quyền Trung Quốc gần đây đột kích vào hãng thẩm định doanh nghiệp Mintz Group cùng công ty tư vấn quản lý Bain của Mỹ mâu thuẫn với cam kết từ quốc gia châu Á với một thị trường mở và khuôn khổ pháp lý minh bạch.

Ngày 24.5, Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng cuộc điều tra của nước này về Micron Technology được tiến hành theo luật pháp và quyết định mới nhất dựa trên sự thật.

Bà nói thêm: “Việc đánh giá không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào. Trung Quốc cũng không tìm cách loại trừ các công nghệ hoặc sản phẩm từ bất kỳ quốc gia cụ thể nào”.

Vì sao Trung Quốc tự tin trừng phạt Micron Technology?

Trong những năm trước khi Trung Quốc tuyên bố các sản phẩm Micron Technology đe dọa an ninh quốc gia, các nhà chức trách đã giảm việc mua chip của công ty Mỹ này và chọn các sản phẩm nội địa hoặc Hàn Quốc, theo hãng tin Reuters.

Trước đây, chính quyền Trung Quốc thường xuyên đưa ra các yêu cầu mua chip của Micron Technology để sử dụng trong các dự án từ hệ thống thuế đến mạng lưới giám sát. Thế nhưng, động thái này đã giảm đáng kể từ năm 2020.

Thay vào đó, phần lớn các giao dịch mua chip nhớ từ chính quyền Trung Quốc đã được chuyển đến các công ty trong nước như hãng viễn thông Huawei, nhà sản xuất máy chủ Inspur cũng như các ông lớn trong lĩnh vực giám sát như Uniview và Hikvision. Đó là kết quả đánh giá của Reuters về hơn 100 cuộc đấu thầu công khai của chính phủ Trung Quốc.

Dù hành động đột ngột của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các ngành công nghiệp quan trọng sử dụng chip Micron Technology dường như là kết quả từ việc căng thẳng giữa hai nước, các tài liệu đấu thầu cho thấy Bắc Kinh đã đặt nền móng trong nhiều năm nhằm hạn chế sự gián đoạn do lệnh cấm đó gây ra.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc dễ dàng ra quyết định trừng phạt Micron Technology hơn nếu muốn đáp trả việc Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ do các công ty trong nước có những tiến bộ về sản xuất chip nhớ.

Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu một viện nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, nhận định: “Hầu hết các chip của Micron Technology đều có thể thay thế bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Với những chip không thay thế được thì còn những công ty nước ngoài khác có chip mà Trung Quốc có thể mua. Vì vậy, việc cấm các sản phẩm của Micron Technology không làm tổn hại đến Trung Quốc".

Hiện chưa rõ lý do tại sao các cơ quan chính phủ Trung Quốc giảm nhu cầu về sản phẩm Micron Technology kể từ năm 2020, thời điểm nước này chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Chỉ có 4 hồ sơ dự thầu đề cập đến các sản phẩm Micron Technology trong 3 năm qua. Trong đó có cuộc đấu thầu của Văn phòng khí tượng thành phố Thường Châu (tỉnh Giang Tô) để mua 24 thiết bị lưu trữ và một bệnh viện ở thành phố Châu Bình (tỉnh Sơn Đông) để mua cảm biến hình ảnh.

Ngược lại, trước năm 2020, các sản phẩm Micron Technology đã được nhiều cơ quan chính quyền địa phương tìm kiếm cho các dự án, gồm cả công việc nhạy cảm như nâng cấp camera giám sát và mạng nhận dạng khuôn mặt ở các thành phố lớn.

Chẳng hạn, chip Micron Technology là một trong những sản phẩm được mua nhiều trong hai cuộc đấu thầu lớn vào năm 2019 trị giá 187 triệu nhân dân tệ (27,05 triệu USD) và 29 triệu nhân dân tệ từ các cơ quan cảnh sát ở thành phố Đông Hoản.

Một cuộc đấu thầu vào tháng 8.2015 cũng cho thấy Cục Quản lý Thuế Quốc gia Trung Quốc đã chi hơn 5,6 triệu nhân dân tệ để mua gần 8.000 chip Micron Technology cho các máy chủ trong hệ thống hóa đơn của mình.

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã có một chiến dịch kéo dài nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, yêu cầu các công ty trực thuộc nhà nước, chẳng hạn ngân hàng, chuyển sang dùng phần mềm địa phương và thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch vào năm 2020 khi các nhà lãnh đạo đề xuất mô hình tăng trưởng "lưu thông kép" để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và thị trường nước ngoài.

Một số hồ sơ dự thầu trong năm qua có yêu cầu về sản phẩm "sản xuất trong nước". Ví dụ, cuộc đấu thầu vào tháng 1 cho dự án "an ninh công cộng thông minh" trị giá gần 200.000 nhân dân tệ ở thành phố Đài Sơn yêu cầu rõ ràng rằng các chip nhớ flash phải được sản xuất trong nước. Dự án này bao gồm hàng trăm linh kiện phần cứng và phần mềm khác nhau, với Hikvision có 41 linh kiện trong số này, Huawei chiếm 16 linh kiện và yêu cầu "được sản xuất trong nước" được gắn kèm với 288 sản phẩm khác.

Cơ sở dữ liệu mua sắm công của chính phủ Trung Quốc thường được giữ lại hoặc không công bố các thông tin nhạy cảm để bảo mật tin tức.

Chip Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc) tiếp tục được đưa vào các hợp đồng lớn của chính phủ Trung Quốc, nhưng thường là để bổ sung cho các sản phẩm trong nước. Samsung Electronics và SK Hynix là hai hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, các công ty Mỹ khác vẫn là những nhà cung cấp quan trọng cho Trung Quốc, với CPU Intel, GPU Nvidia và máy chủ Dell được mua bởi hàng trăm cơ quan chính phủ kể từ năm 2020.

Tuy nhiên với Micron Technology, việc chính phủ Trung Quốc giảm mạnh đấu thầu mua chip của họ làm tăng thêm rắc rối cho công ty Mỹ ở quốc gia châu Á.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-nha-san-xuat-may-chu-hang-dau-trung-quoc-ngung-dat-hang-mo-dun-bo-nho-chua-chip-micron-198380.html