Các nhà sản xuất Trung Quốc tính đường xuống ĐNÁ 'trú bão thương mại'

Các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và một số nước có chi phí nhân công thấp khác ở Đông Nam Á vì họ lo sợ sẽ hứng các đòn áp thuế nặng nề sắp tới trong cuộc tranh chấp thương mại ngày càng lan rộng giữa Washington và Bắc Kinh, theo tờ Financial Times.

Container tập kết tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để xuất khẩu. Ảnh: Bloomberg

Lên kế hoạch ứng phó tình huống bất ngờ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao, máy móc công nghiệp. Mỹ đang chuẩn bị áp mức thuế này cho 16 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa cũng như đe dọa áp thuế 10% cho 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc khác, bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng.

Các chủ nhà máy ở trung tâm sản xuất của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông cho biết các mức thuế hiện tại của Mỹ và và các biện pháp trừng phạt thương mại mà Mỹ có thể nhắm vào hàng hóa Trung Quốc trong tương lai đang thúc bách họ đẩy nhanh các kế hoạch chuyển bớt hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

“Chúng tôi không cho rằng chiến tranh thương mại là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Chúng tôi phải đánh giá xem nước nào ở châu Á tốt nhất cho khách hàng của chúng tôi để bù đắp rủi ro ở Trung Quốc”, Joe Chau, chủ một nhà máy may quần áo trẻ em ở Quảng Đông đồng thời là chủ tịch bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phòng thương mại Hồng Kông, nói.

Dù hàng may mặc và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác gồm đồ chơi trẻ em của Trung Quốc chưa bị Mỹ áp thuế nhưng Chau cho rằng các nhà bán lẻ Mỹ và các nhà cung cấp của họ tại Trung Quốc cần phải nghiên cứu các kế hoạch ứng phó các tình huống bất ngờ trước mùa mua sắm truyền thống vào mùa thu này vì “không ai có thể dự báo Trump sẽ hành động như thế nào”.

Jimmy Kwok, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Hồng Kông, cho biết trong khi hoạt động chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á đang diễn ra đối với một số mặt hàng như điện tử, các căng thẳng thương mại đang thôi thúc các công ty tái đánh giá các chuỗi cung ứng của họ.

Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty sản xuất ở Trung Quốc cũng đang thận trọng vì phải mất nhiều năm lên kế hoạch trước khi chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và trong thời gian đó, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể được giải quyết xong hoặc chính quyền Donald Trump sẽ mở rộng áp thuế sang các nước khác chẳng hạn Việt Nam nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc “nhảy” sang nước khác để né thuế.

Việt Nam và Myanmar được nhắm tới

Angelo Cheung, một lãnh đạo của hãng sản xuất điện tử Aoyagi (Nhật Bản) đang có nhà máy ở Trung Quốc, cho biết một số đơn hàng từ Mỹ đã dừng lại vì các bất ổn thương mại đang dâng cao.

“Chúng tôi đang đứng trước tình thế phải đưa ra quyết định”, Cheung nói. Ông cho biết công ty ông đang cân nhắc nhiều phương án bao gồm chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Jon Cowley, một chuyên gia thương mại từ công ty luật Baker & McKenzie ở Hồng Kông nói rằng mở nhà máy ở môi trường mới sẽ rất tốn kém và phức tạp.

Các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn về chất lượng, sử dụng lao động và bảo vệ môi trường. Do vậy, cần phải mất thời gian để bảo đảm rằng các cơ sở sản xuất ở các nước mới đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Cowley cho rằng trong khi đang chịu sức ép vì chiến tranh thương mại, các chủ nhà máy ở Trung Quốc sẽ không vội vàng chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài. Song theo Cowley, nếu họ đang cân nhắc đa dạng hóa sản xuất, chẳng hạn để tận dụng chi phí nhân công rẻ ở các nước như Việt Nam, thì có thể “nhân tiện” chiến tranh thương mại, họ đẩy nhanh kế hoạch.

Chiu Chi-hong, chủ một nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em ở Quảng Đông, đang cung cấp đồ chơi cho hãng giải trí Walt Disney và hãng đồ chơi Mattel (Mỹ), nói dù các mặt hàng đồ chơi chưa bị đưa vào danh sách các sản phẩm bị Mỹ áp thuế, hoạt động xuất khẩu của công ty ông đang bị đình trệ vì các kiểm tra cực kỳ nghiêm ngặt mà hải quan Mỹ thực hiện từ hồi đầu năm.

Một số doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang đặc khu kinh tế Thilawa của Myanmar. Ảnh: MJTD

Ông và 30 chủ nhà máy sản xuất của Trung Quốc sẽ sang Myanmar vào tháng 9 tới để đánh giá khả năng chuyển hoạt động sản xuất đến nước này để tự bảo vệ mình trước nguy cơ Mỹ áp đặt thêm các hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Song ông cũng lo là chính sách có thể thay đổi. “Ông Trump và ông Tập có thể lại trở thành bạn bè. Chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp vừa. Chúng tôi không thể quản lý các nhà máy ở hai nước cùng một lúc”, Chiu Chi-hong nói.

Trao đổi với tờ The Myamar Times vào tháng trước, U Than Aung Kyaw, Phó cục trưởng Cục quản lý đầu tư và doanh nghiệp thuộc Bộ Phát triển kinh tế và kế hoạch quốc gia Myanmar cho biết do các căng thẳng thương mại với Mỹ, một số doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang thăm dò khả năng chuyển hoạt động sản xuất sang đặc khu kinh tế Thilawa của Myanmar.

Nhà nghiên cứu Daw Khin Khin Kyaw Kyee ở Viện Chiến lược và chính sách Myanmar cảnh báo nếu tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà không có kế hoạch hay chiến lược đúng đắn có thể dẫn đến tăng trưởng sốc trong ngắn hạn nhưng không bền vững về dài hạn nếu sau này các nhà đầu tư rút khỏi Myanmar.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275719/cac-nha-san-xuat-trung-quoc-tinh-duong-xuong-dna-tru-bao-thuong-mai.html