Các nhân chứng cam kết chịu hình phạt nghiêm khắc nếu nói sai sự thật

Chứng kiến việc mua bán căn nhà số 25 Trưng Trắc, phường 2, TP. Cà Mau, các nhân chứng trả lời rành mạch với vị đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - lúc đó là Giám đốc Sở Tư pháp, tất cả cùng cam kết chịu hình phạt nghiêm khắc nếu nói sai sự thật, vậy tại sao lúc xét xử Tòa lại bỏ qua những nhân chứng giá trị này?

Về vụ án tranh chấp căn nhà số 25 Trưng Trắc, phường 2, TP. Cà Mau, báo Nhà báo & Công luận đã có 02 bài viết phản ánh về những tình tiết có dấu hiệu oan sai với tiêu đề: “Cà Mau: Hơn 25 năm chưa thi hành án được, vì oan sai?”“Chủ tịch tỉnh làm “phóng viên điều tra” vì thấy bản án chưa chính xác” với nội dung: ông Trương Tịnh Hỷ mua căn nhà trên của bà Châu Minh Nguyệt với giá 5 ngàn đồng và 20 chỉ vàng 24k. Việc thỏa thuận mua bán, giao tiền, vàng được diễn ra tại UBND Cách mạng phường 3, thị xã Cà Mau (nay là phường 2, TP. Cà Mau) trước sự chứng kiến của 4 cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường lúc bấy giờ, trong đó có ông Nguyễn Hữu Bài, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch phường; ông Võ Trung Thu, Trưởng Công an; ông Trần Công Điểm, Phó Chủ tịch; ông Phan Thanh Trung, Phường đội trưởng.

Hơn 25 năm tranh chấp, nay căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thái Sơn

Do việc mua bán chưa lậpvăn bản nên từ năm 1991, khi nhà nước có chủ trương xác lập lại sở hữu nhà, đất thì xảy ra tranh chấp giữa ông Trương Tịnh Hỷ và bà Trần Châu Minh Thủy (tự xưng là con gái bà Nguyệt); lúc đó, bà Nguyệt đã mất (năm 1981).

Sau khi các bài viết được báo Nhà báo & Công luận đăng tải, nhiều bạn đọc đã trực tiếp liên hệ, cung cấp các thông tin bằng chứng quý giá liên quan đến sự việc. Trong các hồ sơ, cứ liệu, có 1 đĩa video ghi lại việc phỏng vấn từng nhân chứng do ông Nguyễn Tiến Hải – Thời điểm đó là Giám đốc Sở tư pháp (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) thực hiện. Đây là một cứ liệu quý giá đối với vụ việc, bởi lúc ông Hải thực hiện video clip này thì 4 nhân chứng quan trọng đang còn sống (đến nay có người đã qua đời).

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải đã cho biết về lý do Tòa bác lời khai của các nhân chứng. Theo ông Hải, “có một tình tiết trong hồ sơ vụ án tôi xin cung cấp thêm, đó là: trong hồ sơ cũng có bút lục ghi lời khai các nhân chứng này nói có thấy việc đưa vàng nhưng không biết đưa vàng nhằm mục đích gì; cũng có bút lục ghi lời khai nhân chứng “lúc đó tôi cũng ngồi đó nhưng tôi không để ý”. Từ những bút lục này nên Tòa đã bác các lời khai khác của nhân chứng (vì tính bất nhất).”

Kết hợp cuộc trao đổi với ông Hải và nghiên cứu kỹ video ghi lại những cuộc trao đổi giữa các nhân chứng với vị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chúng tôi đi tìm “tình tiết trong hồ sơ vụ án” mà vị Chủ tịch tỉnh nhắc tới, đồng thời đặt câu hỏi, tại sao Tòa cho đó là “vì tính bất nhất”?

Lý do bà Nguyệt bán nhà và ông Hỷ mua nhà

Theo các nhân chứng, bà Châu Minh Nguyệt lúc đó là giáo viên, muốn bán căn nhà để về Sài Gòn đoàn tụ với gia đình và chăm sóc chồng thường xuyên đau bệnh. “Hoàn cảnh ổng (nói ông chồng bà Nguyệt) xin về Cà Mau nhưng không được, ổng bệnh nằm viện suốt nên phải bán để lấy số tiền giải quyết khó khăn. Út Điệp (Lúc đó ông Út Điệp là Chủ tịch UBND thị xã Cà Mau) điện nói: "Tụi bây có cách nào giải quyết không?" nên tui nói: "Chỉ có cách bên bán và bên mua tự bàn với nhau thôi”- ông Trần Công Điểm nói.

Ông Trần Công Điểm, nguyên Phó Chủ tịch phường 2 trình bày sự việc với Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải. (Hình cắt từ Video clip)

Ông Trần Công Điểm (tên thường gọi là Nhanh) cho biết: Ở thời điểm năm 1976, đúng ra với trách nhiệm thì "tụi tôi không giải quyết nhưng đây là vấn đề tình nghĩa của lãnh đạo bên trên" (bà Nguyệt là bạn thân của ông Út Điệp). Tuy nhiên, có cái khó là ngày ấy chưa có chủ trương cho phép bán loại nhà này. Bà Nguyệt biết như vậy nên cũng chỉ yêu cầu ông Điểm và những ông kia giúp chứng kiến việc ông Hỷ giao tiền, vàng cho bà.

Lý do tại sao không lập văn bản mua bán, ông Trần Công Điểm chia sẻ: “Thời đó còn thời quân quản mà, bây giờ Tòa án lại kèo tại sao không làm giấy? Làm sao có chủ trương mà làm giấy được?", đồng thời cho biết thêm: Ông Hỷ có đề nghị "làm giấy trước, đưa tiền sau" nhưng Bà Nguyệt nói:"Tỉnh ủy này không có ông nào bả không biết hết, bữa hai bữa gì bà về bả làm giấy tờ chính thức luôn cho; đâu ai bỏ bả nên Hỷ phải xuôi tay.”

Ông Trần Công Điểm chia sẻ thêm với ông Nguyễn Tiến Hải, nay là đương kim Chủ tịch UBND tỉnh: “Tội nghiệp cho người ta, cái sai về luật chúng tôi chịu, còn giữa cái bán cái mua thì mình xác định là có chuyện đó xảy ra.” Về bà Trần Châu Minh Thủy là ai mà tự nhận là con của bà Nguyệt, ông Điểm đặt nghi vấn với Chủ tịch Hải: “Mấy em coi kỹ xem có đủ tư cách pháp nhân thay quyền cho bà Nguyệt không? Bởi vì chỉ giấy viết tay thôi không có chứng từ của chính quyền, không có xác nhận của thân tộc lân cận gì về việc con Thủy là con của bà Nguyệt. Chỉ có một tờ giấy tay thôi mà tòa án thừa nhận, đó là kế thừa và đứng ra xử?"

Dám cam kết, bởi đó là sự thật

Lúc việc mua bán căn nhà đang diễn ra, do công việc lúc đó ông Nguyễn Hữu Bài phải di chuyển từ phòng này qua phòng khác nên không chứng kiến cụ thể việc mua bán. Chính vì thế, ông Bài chỉ biết được có cuộc mua bán căn nhà, chứ không biết được cụ thể chi tiết việc trao tiền, vàng, … như 3 ông Điểm, Trung, Thu. Cả 3 nhân chứng còn lại, họ trả lời giống nhau vì chính họ trực tiếp ngồi chứng kiến cuộc mua bán căn nhà từ đầu tới cuối.

Tuy nhiên, lúc Tòa xử án thì cả 3 nhân chứng này lại không được mời mà chỉ mời mỗi ông Nguyễn Hữu Bài làm chứng. Trả lời Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải, ông Võ Trung Thu nói: “Có mời Năm Huỳnh (bí danh Nguyễn Hữu Bài) theo yêu cầu của ông Hỷ, có yêu cầu Tòa mời luật sư nhưng tòa không mời, không mời ông Trung, ông Thu sơ thẩm, phúc thẩm.”

Theo các nhân chứng việc mua bán, trao tiền, vàng là có thực, “Tiền là 5 ngàn đồng, còn vàng là đồ nữ trang là 2 lượng, gồm bông, cà rá, lắc” – các nhân chứng khẳng định. “Lúc trao tiền vàng chúng tôi ngồi cạnh bàn”, việc ông Hỷ kêu bà Nguyệt làm giấy là có; ông Hỷ “kèo tới kèo lui”.

Chủ tịch Hải hỏi từng người vào mỗi thời gian địa điểm khác nhau: “Chú khẳng định việc mua bán căn nhà 25 Trưng Trắc giữa bà Nguyệt và ông Hỷ là có phải không?” thì đều nhận được câu trả lời từ các nhân chứng: “Là có nên tui mới dám ký chịu lãnh án tử hình trước pháp luật. Sau khi xác nhận chữ ký của tụi tui, nếu không có là hoàn toàn chịu trách nhiệm.”

Báo congluan.vn sẽ tiếp tục sự việc.

Thái Sơn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/dieu-tra/cac-nhan-chung-cam-ket-chiu-hinh-phat-nghiem-khac-neu-noi-sai-su-that-41816