Các nhân tài công nghệ hiến kế giúp TP.HCM thành 'thành phố đổi mới và sáng tạo'

100 chuyên gia công nghệ người Việt trên khắp thế giới vừa có cuộc trò chuyện với lãnh đạo TP.HCM nhằm góp sức đổi mới sáng tạo cho TP thành 'thành phố đổi mới và sáng tạo' trong khu vực.

Trước đó, TP.HCM đã ban hành đề án xây dựng Đô thị thông minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025. Hiện, các nội dung trọng tâm được triển khai khẩn trương, tạo tiền đề cho lộ trình tiếp theo trong đề án Đô thị thông minh.

Thông tin về kế hoạch xây dựng đề án này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của TP HCM trong năm 2018 chính là tập trung vào 4 nhiệm vụ, đó là: Xây dựng kho dữ liệu hệ sinh thái; mở dữ liệu dùng chung; xây dựng trung tâm điều hành của thành phố; trung tâm dự báo mô phỏng chiến lược phát triển kinh tế xã hội và trung tâm an toàn, an ninh mạng.

Ông Phong nhấn mạnh, để có thể tiếp tục duy trì và phát huy thành tựu trong nhiều năm nay, TP.HCM xác định mô hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và rất mong sự đóng góp của các chuyên gia công nghệ thông tin Việt kiều.

Nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến để đưa TP.HCM thành "thành phố đổi mới và sáng tạo" trong khu vực.

Để có tầm nhìn bao quát, sâu rộng hơn cho sự phát triển của thành phố, nhiều chuyên gia công nghệ người Việt đang làm việc tại nước ngoài đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM để chia sẻ những quan điểm phát triển, cũng như kinh nghiệm giúp TPHCM tiếp cận nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt ứng dụng thành công vào đề án xây dựng thành phố thông minh đầu tiên ở Việt Nam.

Tại cuộc gặp gỡ này, nhiều chuyên gia, trí thức bày tỏ sẵn sàng giúp TPHCM kết nối với các môi trường công nghệ tiên tiến trên thế giới; đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng thành công nhiều mô hình thành phố thông minh trên thế giới.

Giáo sư Đăng Lương Mô (Việt kiều Nhật Bản) cho biết, TPHCM là thành phố đông trên 10 triệu người. Việc giải quyết các vấn đề của một thành phố 10 triệu người không hề đơn giản. Vì vậy tổ chức xây dựng thành phố thông minh ở đây rất cần thiết để có thể giải quyết được các vấn đề như ùn tắc giao thông, vấn đề dân số tập trung quá lớn, quá đông. Cho nên phải giải quyết bằng các phương tiện khoa học công nghệ mới để có thể đưa thành phố này trở thành một trong những mẫu mực cho các thành phố lớn ở Việt Nam.

Chia sẻ về dự án này, tiến sĩ Đỗ Bình Minh, đại diện NASA cũng góp ý về việc đầu tư phát triển vào trí tuệ nhân tạo (Artificial Inteligent - AI) và công nghệ “máy học” (Machine learning) ở Việt Nam. Theo TS Bình Minh, AI đang là ngành mũi nhọn trong xu hướng phát triển công nghệ 4.0, dựa trên sự quan trọng của dữ liệu. Các “cá mập” trong lĩnh vực này không chỉ ở Mỹ như Google, Facebook, mà còn cả sự nổi lên từ Trung Quốc. Trong hơn 100 gương mặt trẻ xuất sắc tham gia hành trình gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam, số lượng chuyên gia làm trong lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu vượt trội so với các ngành khác. Do đó, lãnh đạo tập trung vào AI có thể giúp bắt kịp xu hướng trên thế giới. Nhưng để chúng ta đuổi kịp phải tính đến chuyện đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Đó là bài toán tương đối khó.

Còn theo bà Võ Quy có công ty khởi nghiệp blockchain trong lĩnh vực y tế ở Thụy Sỹ đánh giá, TP.HCM là môi trường cực kỳ năng động và được so sánh với cả Thụy Sỹ, một quốc gia có diện tích nhỏ trong lòng châu Âu, nhưng nhiều năm liền đứng đầu về chỉ số sáng tạo ở châu Âu.

Bà Võ Quy cho biết thêm, Thụy Sỹ đã làm được, còn TP.HCM gần như có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ, nhưng chỉ có một điều là dường như các nhà đầu tư chưa chú ý nhiều đến yếu tố tăng trưởng bền vững.

Cũng tại cuộc trò chuyện, chuyên gia Nguyễn Kỳ Tài chia sẻ về việc ứng dụng của AI trong nông nghiệp, một lĩnh vực được xem là thế mạnh của Việt Nam, bao gồm nhiều mảng ứng dụng robot, giám sát cây trồng, đất đai, dự báo sức khỏe cây trồng và quan trọng là nông nghiệp chính xác.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân - chuyên gia bảo mật bổ sung rằng trong quá trình phát triển thành đô thị thông minh, lãnh đạo thành phố cũng cần chú ý đến chuyện bảo mật dữ liệu, vốn đang ngày càng trở nên trầm trọng, bản thân Việt Nam cũng là một trong những nước bị tấn công mạng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc kỹ thuật của Everest Network (Canada) chia sẻ cơ hội hợp tác với thành phố trong lĩnh vực wifi phủ khắp đô thị thông minh. Ông Hoàng đánh giá đoàn chuyên gia lần này trở về đang hết sức thuận lợi khi có được cả 3 yếu tố: “công nghệ, tiền tệ và quan hệ. Cái mà chúng ta cần thì các lãnh đạo bộ ngành có thể cung cấp được, đó là những sự hỗ trợ về quan hệ và tiền tệ".

Để giải quyết những khó khăn của TPHCM hiện nay trong quá trình phát triển trở thành đô thị thông minh, bên cạnh những ý kiếm trên, nhiều chuyên gia cũng tư vấn, đề xuất nhiều giải pháp, giới thiệu phần mềm nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, xây dựng chính quyền điện tử...

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cac-nhan-tai-cong-nghe-hien-ke-giup-tphcm-thanh-thanh-pho-doi-moi-va-sang-tao-d148267.html