Các nước ASEAN bắt đầu đàm phán về hiệp ước kinh tế kỹ thuật số trị giá 2.000 tỷ USD vào cuối năm 2023

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tăng cường hội nhập kinh tế để cải thiện dòng chảy đầu tư và thương mại xuyên biên giới, bao gồm cả việc mở ra tiềm năng cho một nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Ảnh minh họa: Người Lao động

Một hiệp ước kinh tế kỹ thuật số toàn khu vực đã được đưa ra chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55 được tổ chức tại Semarang, Indonesia.

Theo thông báo truyền thông chung của ASEAN, hội nghị AEM đã thông qua một số nghiên cứu về Thỏa thuận Khung Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA), mở đường cho 10 quốc gia thành viên bắt đầu tiến trình đàm phán hiệp định.

Các cuộc đàm phán DEFA dự kiến sẽ chính thức khởi động trong khuôn khổ cuộc họp hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 23 và sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức thừa nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại Jakatar vào tháng 9.

Tập đoàn tư vấn Boston mới đây đã đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN có thể tăng trưởng gấp 3 vào cuối thập kỷ này, thông qua việc áp dụng một cách tự nhiên các công nghệ kỹ thuật số, điều đó có nghĩa là nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực đến năm 2030 sẽ tăng lên đến 1.000 tỷ USD, tức tăng cao từ mức 300 tỷ USD hiện nay. Một tuyên bố của ASEAN nhận định các quy tắc tiến bộ trong DEFA có thể tăng gấp đôi khoản đóng góp này lên 2.000 tỷ USD.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết, cuộc họp thường niên của AEM và những kết quả tốt đẹp đạt được từ hội nghị là minh chứng cho cam kết và nỗ lực của các quốc gia ASEAN nhằm duy trì sự cởi mở, kết nối và hội nhập giữa các quốc gia với nhau.

“Môi trường giao dịch dựa trên luật lệ và nắm bắt tiềm năng của số hóa, bền vững là những yếu tố quan trọng cho các doanh nghiệp trong khu vực. Singapore sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để tăng cường đề xuất giá trị của ASEAN như một khu vực đầu tư và thương mại hấp dẫn cho các đối tác toàn cầu”, Bộ trưởng Gan nhận xét.

Trong một thông tin có liên quan, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Singapore và cũng là điểm đến đầu tư lớn nhất của nước này. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, vào năm 2022, tổng thương mại hàng hóa của nước này với ASEAN đạt mức 344,3 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong năm 2022, Singapore đã đầu tư 23,9 tỷ USD vào khối ASEAN, tăng 8% so với 1 năm trước đó.

MTI thông tin rằng hội nghị cũng chứng kiến việc hoàn thành Khuôn khổ tạo thuận lợi cho dịch vụ ASEAN nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh minh bạch và dễ dự đoán hơn cho các công ty tham gia vào thương mại dịch vụ xuyên biên giới trong khu vực.

Một số thỏa thuận công nhận lẫn nhau cũng đã được kí kết cho các lĩnh vực cụ thể như xây dựng và vật liệu xây dựng, quy định an toàn thực phẩm.

MTI cho rằng nhìn chung, những thỏa thuận công nhận lẫn nhau này sẽ giảm rào cản đối với thương mại, cũng như giảm thời gian và chi phí phát sinh từ việc tái kiểm tra, kiểm tra và chứng nhận trùng lặp.

Công cụ Tìm kiếm Thuế quan ASEAN cũng mới được ra mắt tại hội nghị AEM. Trong đó công cụ tìm kiếm cung cấp một cổng thông tin duy nhất thân thiện với người dùng để các doanh nghiệp truy cập thông tin cập nhật về chế độ thương mại và thuế suất trong ASEAN.

Cùng với đó, các bộ trưởng ASEAN cũng đã kí kết một Biên bản ghi nhớ với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới để giúp các doanh nghiệp trong khu vực tận dụng và kiếm tiền từ tài sản trí tuệ (IP) của họ tốt hơn. Một trong những sáng kiến được đưa ra là nền tảng một cửa dành cho các doanh nghiệp để tìm kiếm dữ liệu IP của ASEAN.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, sự kiện ghi nhận tiến độ tiếp tục của các cuộc đàm phán do Singapore chủ trì về phiên bản nâng cấp của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN nhằm mục đích không chỉ bao phủ giao dịch hàng hóa truyền thống mà còn cả những vấn đề mới nổi như thương mại kỹ thuật số, thương mại và môi trường và tình hình thương mại trong các tình huống khủng hoảng.

Hội nghị cũng lưu ý rằng mặc dù lạm phát toàn cầu đã giảm nhẹ, nhưng giá của các mặt hàng lương thực và năng lượng vẫn rất mong manh do sự gián đoạn nguồn cung gây nên bởi xung đột kéo dài ở Đông Âu. Hội nghị thừa nhận rằng khả năng kéo dài thời gian thắt chặt chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, lĩnh vực ngân hàng của khu vực vẫn đang ổn định.

Đan Lê (Lược dịch từ The Straistimes)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/cac-nuoc-asean-bat-dau-dam-phan-ve-hiep-uoc-kinh-te-ky-thuat-so-tri-gia-2000-ty-usd-vao-cuoi-nam-2023-131178.html