Các nước cần thận trọng với tốc độ tăng lãi suất

Các nước cần kiểm soát tốc độ tăng lãi suất, nếu tăng quá nhanh có thể khiến nền kinh tế đi vào bế tắc nhưng nếu quá chậm sẽ không kiềm chế được lạm phát.

Có vẻ châu Á không thể đứng ngoài làn sóng tăng lãi suất khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 28-7 khuyến cáo nhiều nước châu Á nhanh chóng tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát, theo hãng tin Reuters.

Châu Á sẽ gia nhập làn sóng tăng lãi suất?

Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF, đánh giá “áp lực lạm phát châu Á vẫn ở mức vừa phải hơn so với các khu vực khác”, tuy nhiên “mức tăng giá ở nhiều quốc gia đã vượt quá mục tiêu của ngân hàng trung ương”.

Luôn luôn có rủi ro đi quá xa hoặc đi không đủ xa và đó sẽ là một phán đoán rất khó đưa ra.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Hầu hết các nền kinh tế châu Á mới nổi chứng kiến dòng vốn chảy ra mạnh. Dòng vốn ra đặc biệt lớn với Ấn Độ - 23 tỉ USD chảy khỏi nước này kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nền kinh tế khác, như Hàn Quốc, Đài Loan. Trước đó, hãng tin Bloomberg cho rằng động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gây áp lực lên các nước châu Á phải tăng tốc thắt chặt tiền tệ, hoặc có nguy cơ tiếp tục đẩy dòng tiền ra ngoài và đồng tiền bị suy yếu hơn.

Bloomberg cũng nhận định các nước châu Á sẽ phải điều chỉnh lãi suất khi lạm phát tăng mạnh thêm. Lạm phát ở Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 9% nửa cuối năm nay. Hàn Quốc dự báo lạm phát nước này năm nay có thể lên mức cao nhất trong 14 năm. Đông Nam Á không ngoại lệ, lạm phát Thái Lan đang ở mức cao nhất trong 14 năm, Singapore đang ở mức cao nhất trong 10 năm.

Người dân mua rau quả tại một siêu thị ở Manhattan, New York (Mỹ). Lạm phát tăng không dừng khiến Mỹ phải liên tục tăng lãi suất để kiềm chế. Ảnh: REUTERS

Người dân mua rau quả tại một siêu thị ở Manhattan, New York (Mỹ). Lạm phát tăng không dừng khiến Mỹ phải liên tục tăng lãi suất để kiềm chế. Ảnh: REUTERS

Làn sóng tăng lãi suất bắt đầu nóng từ đầu năm nay và đặc biệt sôi động trong tháng 7. Mỹ là nước quyết liệt nhất với ba lần tăng lãi suất từ tháng 3 đến nay (tổng cộng 2,25%) khi phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm (9,1% vào tháng 6, so với một năm trước đó). Nhiều quan chức Fed cho biết họ dự kiến sẽ tăng tiếp 0,75% vào tháng 9. Canada tăng thêm 1%, cao nhất kể từ năm 1998, đưa mức lãi suất chính sách lên 2,5%. Argentina tăng thêm 8%, nâng lãi suất chính sách lên tới 60%, để đối phó với lạm phát tới 70%.

Áp lực lạm phát khu vực đồng euro tăng cao nhất mọi thời đại (8,9% vào tháng 7, so với một năm trước) khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 7 phải lần đầu tiên tăng lãi suất sau 11 năm (0,5%), theo Bloomberg. Hungary tăng thêm 1%, nâng lãi suất chính sách lên 10,75%, mức hai con số đầu tiên kể từ cuối năm 2008.

Hàn Quốc tăng thêm 0,5%, nâng lãi suất chính sách lên mức 2,25%. Philippines tăng thêm 0,75%, nâng lãi suất chính sách lên 3,25%. Thậm chí Sri Lanka bất chấp kinh tế suy thoái cũng tăng thêm 1%, nâng lãi suất chính sách lên 15,50%, khi đối mặt với lạm phát kỷ lục gần 60%.

Thận trọng với tốc độ tăng lãi suất

Theo trang weforum.com của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nước cần kiểm soát tốc độ tăng lãi suất, nếu tăng quá nhanh có thể khiến nền kinh tế đi vào bế tắc nhưng nếu quá chậm sẽ không kiềm chế được lạm phát.

Tăng lãi suất quá nhanh có thể đẩy nền kinh tế vào bế tắc. Điều này xảy ra ở Mỹ vào những năm 1980 khi Fed tăng lãi suất lên 20%. Dù chính sách tiền tệ quyết liệt này cuối cùng đã chế ngự được lạm phát hai con số thời đó nhưng kinh tế cũng rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, nếu tăng quá chậm, lạm phát có thể tích tụ đủ động lực đến mức khó có thể bị kìm lại. Tình trạng giá cả tăng càng kéo dài thì kỳ vọng lạm phát trong tương lai càng tăng. Điều này có thể dẫn đến việc người dân tăng mua hơn với dự đoán hàng hóa sẽ còn tăng giá hơn nữa, sức mua cao sẽ bị kéo dài.

Hiện tốc độ tăng lãi suất không đều nhau ở các nước. Trong khi Mỹ được xem là nước hành động quyết liệt nhất thì Liên minh châu Âu dù cũng đang chịu mức lạm phát cao 8,1% nhưng vẫn kiềm chế tăng quá nhanh.

Fed bị chỉ trích cả hai hướng, một là quá chậm tăng lãi suất khi lạm phát bắt đầu tăng tốc vào năm 2021, hai là lo ngại tốc độ hiện tại có thể quá nhanh có nguy cơ làm kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Trao đổi với đài CNBC hôm 27-7 thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren lo ngại việc Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh hiện tại sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế, gia tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó ECB đưa ra lộ trình, sau lần tăng đầu tiên tháng 7, lần tăng tiếp sẽ vào tháng 9. Lộ trình này nhằm giúp người dân chủ động trong chi tiêu và đầu tư, tránh những bất ngờ có thể làm gián đoạn thị trường.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận rằng “dữ liệu mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại, che mờ triển vọng nửa cuối năm 2022 và hơn thế nữa”. Bản thân ông Srinivasan dù khuyến cáo các nước châu Á tăng lãi suất nhưng cũng cảnh báo rằng động thái này sẽ làm căng thẳng tình hình tài chính các nước, gây khó hoạch định chính sách chống đỡ kinh tế sau đại dịch. Theo ông Srinivasan, tỉ trọng của châu Á trong tổng nợ toàn cầu đã tăng từ 25% trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên 38% sau đại dịch, làm tăng tính nhạy cảm của khu vực với những thay đổi điều kiện tài chính toàn cầu.

Cũng cần lưu ý rằng mặc dù tăng lãi suất có thể tác động đến sức mua nhưng đây chỉ là một vế của phương trình. Lạm phát cũng là hậu quả của việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một vấn đề ít nhiều nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương.•

Bên cạnh tăng lãi suất còn có thể làm gì?

Theo ông Srinivasan, bên cạnh tăng lãi suất, một số nước châu Á có thể sẽ cần phải sử dụng thêm các biện pháp khác, như can thiệp ngoại hối và kiểm soát vốn để ngăn dòng tiền chảy ra mạnh.

Ngoài ra, 19 nước khu vực euro đang cân nhắc hỗ trợ hàng tỉ euro cho dân. Argentina kéo dài giữ giá các mặt hàng thiết yếu, ấn định mức giá trần của 949 mặt hàng đến ngày 7-10.

Nhiều nước Đông Nam Á trợ cấp tiền mặt cho dân. Singapore chi hơn 1 tỉ USD hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Malaysia chi gần 16 tỉ USD phụ dân lo chi phí sinh hoạt. Thái Lan gia hạn hỗ trợ (trợ cấp chi phí gas nấu ăn cho những người có thu nhập thấp, ổn định giá xăng cho tài xế taxi) đến tháng 9.

Song có ý kiến phân tích rằng việc này sẽ gây thêm áp lực lên tài chính quốc gia vốn đã khó khăn sau đại dịch. Vì áp lực tài chính mà nhiều nước khu vực đã phải nâng mức trần nợ công, chẳng hạn Thái Lan nâng từ 60% lên 70%, Malaysia từ 60% lên 65%.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-nuoc-can-than-trong-voi-toc-do-tang-lai-suat-post691703.html