Các nước châu Phi hợp tác thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã từng gọi Nigeria là nước 'tham nhũng đến mức khó tin', nhưng chính đất nước của ông lại là một trong những cái 'mỏ' tham nhũng của các nước châu Phi.

Tháng 4, Nigeria công bố nước này đã thu hồi được hơn 3,8 tỷ rand từ Thụy Sỹ. Ảnh: AFP

Nigeria và các thuộc địa cũ của Anh ở châu Phi hy vọng sẽ thay đổi điều này bằng cách liên kết với nhau để thu hồi hàng tỷ USD trong tài khoản nước ngoài ở Anh và một số quốc gia khác.

Trong tuần trước, một hội nghị khu vực đã diễn ra tại Thủ đô Abuja của Nigeria với sự góp mặt của các cơ quan chống tham nhũng khắp châu Phi, nhằm thảo luận để tìm giải pháp trong việc thu hồi tài sản bị đánh cắp.

Các đại diện chống tham nhũng lo ngại những tổn thất nặng nề mà châu Phi phải gánh chịu do việc chuyển giao bất hợp pháp các khoản tiền tham nhũng ra khỏi châu Phi. Bên cạnh đó, cần đưa ra các giải pháp để tăng cường hợp tác trong việc truy tìm và thu hồi tài sản.

Họ cũng khuyến khích các nước châu Phi cam kết minh bạch hơn nữa và kêu gọi sự tham gia của các cơ quan chống tham nhũng.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp hạng Nigeria là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng lớn nhất trên thế giới.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari hứa sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng trong chiến dịch tái cử năm 2019.

Hồi đầu năm nay, Ibrahim Magu - lãnh đạo Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính (EFCC) - Cơ quan Chống tham nhũng của Tổng thống Buhari, tuyên bố rằng cơ quan của ông đã thu hồi hơn 500 tỷ naira của các quỹ bất hợp pháp. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ đã bị cáo buộc là có động cơ chính trị.

Tiến sỹ Roger Koranteng, Cố vấn Quản lý và Chống tham nhũng cho Ban Thư ký Cộng đồng nói với AFP rằng các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh muốn tiếp cận các khu vực để thu hồi tài sản bị đánh cắp. Ông nói: “Cần phải có sức mạnh hợp nhất giữa các quốc gia. Nếu chỉ làm nó độc lập, bạn sẽ gặp trở ngại lớn bởi các quốc gia bên ngoài châu Phi cũng đang hợp tác cùng nhau”.

Nhưng việc duy trì sự hợp tác này rất khó khăn. Công tố viên độc lập của Ghana, ông Martin Amidu cho biết: “Đối với tôi, trong nhiều thập kỷ qua, châu Phi đã có một tổ chức của các nhà lãnh đạo nói về chống tham nhũng như thể họ đang chống lại nó nhưng thực chất thì không”.

Tuy nhiên, các quốc gia có thể đứng lên để đạt được số tiền khổng lồ nếu họ hợp lý hóa việc thu hồi tài sản.

Vào tháng 4, Nigeria công bố nước này đã thu hồi được hơn 3,8 tỷ rand (khoảng 300 triệu USD) từ Thụy Sĩ như là một phần tiền thu được từ gia đình cựu độc tài Sani Abacha, người cai trị đất nước từ năm 1993 đến năm 1998.

Tổng thống Nigeria cho biết số tiền này sẽ được chi cho một chương trình phúc lợi hướng tới những người nghèo nhất của Nigeria, ở một đất nước mà nghèo đói đang lan rộng và thất nghiệp tràn lan. Tuy nhiên, rất khó để theo dõi số tiền thu hồi đang được chi tiêu như thế nào. Một số nhà phê bình bày tỏ lo ngại rằng số tiền này khi về đến Nigeria tiếp tục bị thất thoát.

Tại hội nghị khu vực, các nhà hoạt động chống tham nhũng kêu gọi sự quan tâm của toàn cầu về vấn đề này.

Ông Debo Adeniran - Tổng Giám đốc Liên minh Quốc gia chống lại lãnh đạo tham nhũng cho biết: "Hồ sơ Panama đã công bố nhiều quan chức Chính phủ liên quan đến các tài khoản đen ở nước ngoài. Quyết định ký hỗ trợ pháp lý lẫn nhau với một số nước đang giúp Chính phủ Nigeria trong nỗ lực khôi phục tài sản bị đánh cắp".

Việt Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/cac-nuoc-chau-phi-hop-tac-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-o-nuoc-ngoai_t238c52n134251