Các nước giàu tiêm mũi thứ 3, nguồn cung vaccine toàn cầu bị thu hẹp

Dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn ngành vaccine, nhất là khi các nước giàu sẵn sàng tiêm liều tăng cường để được bảo vệ. Nhưng tình trạng bất bình đẳng vaccine cũng bị phơi bày.

"Ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 giảm dần theo thời gian. Đối với phần lớn chúng ta, đó là một điều gây lo lắng", nhà báo David Fickling của Bloomberg viết. "Nhưng đối với các công ty dược phẩm đã chi hàng tỷ USD để phát triển vaccine, đó là cơ hội chỉ có một lần trong đời", ông viết thêm.

Các nghiên cứu mới đây về hiệu quả của vaccine khiến lượng đơn đặt hàng tăng vọt trong những tuần qua. Mỹ sẽ bắt đầu phân phối các mũi bổ sung kể từ ngày 20/9. 100 triệu liều dự kiến được tung ra vào tháng tới.

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc rút ngắn khoảng cách giữa mũi thứ 2 và thứ 3 từ 8 tháng xuống còn 5 tháng đang được thảo luận. Tuần trước, Anh đặt thêm 35 triệu liều vaccine Pfizer. Còn ở Israel, bất cứ ai trên 30 tuổi đều đủ điều kiện để tiêm bổ sung.

 Các quốc gia giàu có hiện vượt xa phần còn lại của thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhiều nước đang chuẩn bị tiêm liều tăng cường. Ảnh: New York Times.

Các quốc gia giàu có hiện vượt xa phần còn lại của thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhiều nước đang chuẩn bị tiêm liều tăng cường. Ảnh: New York Times.

Thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp

Theo nhà báo Fickling, đó là một thay đổi khá lớn đối với mô hình kinh doanh vaccine truyền thống. Dù được phân phối cho hầu hết thế giới, các loại vaccine truyền thống vẫn là một nguồn lợi bất cập hại của ngành công nghiệp dược phẩm.

Những hãng dược mất nhiều năm và hàng tỷ USD để phát triển vaccine. Sau đó, chúng được các chính phủ mua với số lượng lớn, giá phải chăng và thường có hiệu quả suốt đời chỉ sau một liều duy nhất.

Mô hình kinh doanh truyền thống có chi phí khởi động cao, tỷ suất lợi nhuận thấp và không thể bán vaccine được nhiều lần. Ông Fickling của Bloomberg nhận định đó không phải cách tốt để các công ty phân bổ vốn.

Trong nhiều thập kỷ, đã xuất hiện những lo ngại rằng việc nghiên cứu và phát triển vaccine mới đang mất dần động lực. Nếu không có thêm các khách hàng mới thường xuyên (trẻ sơ sinh), lĩnh vực vaccine sẽ còn tệ hại hơn hiện tại.

Khi dây chuyển sản xuất được sử dụng để chế tạo liều bổ sung cho những nước giàu, nguồn cung của các quốc gia nghèo hơn sẽ bị thu hẹp

Nhà báo David Fickling của Bloomberg

Tuy nhiên, nhu cầu mạnh mẽ đối với vaccine Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh hiện tại. Sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề vì đại dịch. Các quốc gia giàu có sẵn sàng chi bộn tiền mỗi năm để được bảo vệ.

Nếu hầu hết 7,7 tỷ dân trên thế giới nhận được các mũi tiêm với giá 2-20 USD mỗi năm, ngành công nghiệp Covid-19 sẽ lớn hơn rất nhiều ngành kinh doanh vaccine cúm 6,5 tỷ USD.

"Hãy nhìn vào hàng dài hãng dược đang chờ để vaccine của mình được thông qua các thử nghiệm lâm sàng", nhà báo Fickling viết. Điều đó trái ngược với quá khứ, khi ngành công nghiệp ổn định với một vài tên tuổi lớn giữ thế độc quyền GlaxoSmithKline Plc, Sanofi, Merck & Co. và Pfizer.

"Điều này nghe qua giống một tin tốt, nhưng thực tế không phải vậy", ông Fickling bình luận. Xét cho cùng, năng lực hiện có của các nhà sản xuất vaccine vẫn hạn chế. Thêm vào đó, khi dây chuyển sản xuất được sử dụng để chế tạo liều bổ sung cho những nước giàu, nguồn cung của các quốc gia nghèo hơn sẽ bị thu hẹp.

Bất bình đẳng vaccine

Các quốc gia giàu có hiện vượt xa phần còn lại của thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhiều nước đang chuẩn bị tiêm liều tăng cường và mở cửa trở lại nền kinh tế. Trong khi đó, những quốc gia nghèo hơn đã tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng.

Tính đến ngày 23/8, khoảng 5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, theo dữ liệu của Our World in Data. Trong số đó, chỉ 15,02 triệu liều dành cho những quốc gia thu nhập thấp.

"Các chiến dịch tiêm chủng ở những nền kinh tế có thu nhập thấp đang tiến triển với tốc độ rất chậm", báo cáo mới đây của Economist Intelligence Unit (EIU) nhấn mạnh.

Theo báo cáo, nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng tiêm chủng trên toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực sản xuất, nguyên liệu vaccine, những khó khăn hậu cần về vận chuyển và lưu trữ vaccine, cũng như sự do dự của người dân.

Theo dữ liệu của UNICEF, các hãng sản xuất vaccine đã được cấp phép có đủ năng lực sản xuất 18,5 tỷ liều vaccine vào năm 2022. Con số này đủ để tiêm cho các quốc gia và nhóm tuổi chưa thể tiêm chủng trong năm nay. Tuy nhiên, nếu mọi nước giàu có tiêm liều tăng cường 5 tháng 1 lần, nguồn cung sẽ bị thu hẹp đáng kể.

 Để tránh tác động nặng nề của đại dịch, các quốc gia giàu có sẵn sàng chi bộn tiền mỗi năm để được bảo vệ. Ảnh: Reuters.

Để tránh tác động nặng nề của đại dịch, các quốc gia giàu có sẵn sàng chi bộn tiền mỗi năm để được bảo vệ. Ảnh: Reuters.

Đáng nói, ở những nơi không thể kiểm soát dịch bệnh, virus có khả năng tạo ra biến chủng mới, đe dọa hiệu quả của vaccine hiện có. Như vậy, các nước giàu có cũng có thể bị đe dọa nếu dịch bùng phát tại những quốc gia nghèo hơn với tỷ lệ tiêm chủng thấp.

"Ở thế giới mà chúng ta chuẩn bị bước vào, những nước giàu nắm nguồn cung cấp vaccine hạn chế, nhưng thậm chí cũng không nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ nó", ông David Fickling của Bloomberg lập luận.

Theo ông, vaccine không phải một sản phẩm tiêu dùng, mà là cơ sở hạ tầng. Từ khía cạnh kinh doanh, chúng không có quá nhiều ý nghĩa. Ngay cả vaccine Covid-19 cũng sẽ bị lu mờ trước các loại thuốc điều trị ung thư và bệnh tim kiếm lời tốt hơn. "Tuy nhiên, với tư cách một loại hàng hóa công cộng, chúng nắm quyền lực tối thượng", ông Fickling nhận định.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nuoc-giau-tiem-mui-thu-3-nguon-cung-vaccine-toan-cau-bi-thu-hep-post1257866.html