Các nước nghèo sẽ phải gánh chịu 80% thiệt hại từ biến đổi khí hậu

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB), dựa trên nhiều phân tích khoa học và kinh tế, đã chính thức công bố số liệu dự báo cho thấy các nước nghèo chính là nạn nhân phải gánh chịu tới 80% các thiệt hại từ hiện tượng biến đổi khí hậu.

Hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp, đặc biệt tại các nước đang phát triển Theo WB, các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu 80% các thiệt hại, tổn thất có nguồn gốc từ hiện tượng biến đổi khí hậu trong khi họ chỉ là nguyên nhân phát tán ra 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phát biểu với giới báo chí, nhà kinh tế trưởng của WB, Justin Lin cho biết: “Các thiệt hại do biến đổi khí hậu, với tỷ lệ khoảng 75-80%, sẽ do các nước đang phát triển phải gánh chịu trong khi họ chỉ thải ra hơn 1/3 lượng khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính”. Bà Marianne Fay, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới phụ trách về phát triển bền vững cũng đánh giá rằng kể từ năm 2030, mỗi năm, sẽ cần tới 300 tỷ USD để chi phí cho việc thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu. Để sự nóng lên của nhiệt độ trái đất không vượt quá 2°C vào năm 2050, “chi phí dành cho việc thích ứng trong giai đoạn 2010 - 2050 sẽ là từ 75-100 tỷ USD mỗi năm”, chỉ đối với các nước đang phát triển. Vào thời điểm hiện tại, cả thế giới đang kỳ vọng vào thành công tại hội nghị về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào tháng 12 tại Copenhague, trong đó cam kết đưa ra một thỏa thuận về các biện pháp hạn chế sự nóng lên của khí hậu. Một thỏa thuận đầu tiên đã được kết luận tại Kyoto (Nhật Bản) vào tháng 12/1997, nhưng chưa nhận được ý kiến phê chuẩn từ phía Mỹ, quốc gia phát tán khí thải hàng đầu thế giới.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=365741&co_id=30480