Các nước tranh mua, đặc sản Việt có 1 năm lịch sử hiếm có

Nhiều mặt hàng thủy sản tăng trưởng âm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song xuất khẩu cá ngừ lại có sự bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, ở một số thị trường, con cá ngừ Việt Nam còn tạo nên lịch sử hiếm có.

Các nước tăng mua cá ngừ Việt Nam

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 720 triệu USD, tăng 10,2% so với năm 2018. Sang đầu 2020, xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ có sự tăng trưởng đột biến, đặc biệt là tại thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,...

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi trong 2 tháng trở lại đây.

Theo đó, trong tháng 9, cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ mang về hơn 25 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đông lạnh mã HS0304 và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong giai đoạn này.

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường lớn có sự tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường lớn có sự tăng trưởng mạnh

Tương tự, sau 3 tháng sụt giảm liên tục, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại. Với xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ chế biến của Việt Nam, nhất là cá ngừ hấp đông lạnh các loại, giá trị xuất khẩu mặt hàng này chiếm gần 55% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật.

Trong khi đó, tại thị trường châu Âu (EU), sau hai tháng Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này tăng tới 51% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 9 tăng tới 8.599% so với cùng kỳ, đưa Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU trong 9 tháng năm 2020.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, đây là mức tăng trưởng hiếm có trong lịch sử xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ ở Khánh Hòa, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị này trong 9 tháng năm 2020 đạt 181 triệu USD, trong đó thị trường EU đạt 46,8 triệu USD. Đáng chú ý, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 và 9 của công ty sang EU đạt 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân các tháng đầu năm.

Đóng hộp cá ngừ đưa sang Mỹ, EU

Đề cập tới thị trường đang tăng trưởng đột biến là EU, VASEP cho hay trước đây, sản phẩm cá ngừ Việt Nam phải chịu mức thuế 20,5% theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của khu vực này nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ Ecuador hay Solomon, vốn được miễn thuế xuất khẩu.

Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung cá ngừ từ hai thị trường trên bị hạn chế khiến các nhà nhập khẩu châu Âu, đặc biệt từ các nước có ngành sản xuất cá ngừ đóng hộp phát triển như Ý, tìm nguồn cung thay thế. Việc EVFTA có hiệu lực giúp các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, hút hàng hơn đối với các nước EU.

Các sản phẩm cá ngừ chế biến được các thị trường đặc biệt ưa chuộng (ảnh: TTXVN)

Theo VASEP, các thị trường nhập khẩu chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ sẽ khả quan hơn. Điều đó thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đặc biệt là sang các thị trường chính như Mỹ, EU... Xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ bảo quản như cá ngừ đóng hộp, đóng túi,... sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm.

VASEP dự báo tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU 3 tháng cuối năm 2020 sẽ tăng nhẹ hoặc tương đương quý 3/2020, với khoảng 33 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào EU đạt khoảng 123 triệu USD.

Còn tại thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 9/2020, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Mỹ tăng gần 29%; nâng tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam sang từ 36,8% tăng lên 55%.

Số liệu thống kê của ITC cho thấy, nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Mỹ có xu hướng tăng đều từng tháng trong 8 tháng năm 2020. Tính riêng cá ngừ chế biến và đóng hộp, Mỹ đã nhập khẩu hơn 170.000 tấn trong 8 tháng đầu năm nay, trị giá gần 835 triệu USD, tăng 25% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức nhập khẩu cao nhất trong 5 năm qua.

Do các doanh nghiệp Mỹ đang xây dựng lại các kho hàng đã sớm cạn kiệt trong thời gian đại dịch Covid-19 nên nhập khẩu lương thực và nguyên liệu sản xuất của Mỹ cũng tăng mạnh. Cùng với xu hướng này, nhập khẩu cá ngừ chế biến, như thịt cá ngừ hấp đông lạnh - nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp, và cá ngừ đóng hộp vào Mỹ cũng tăng so với cùng kỳ.

Đây là cơ hội để cá ngừ Việt Nam, nhất là sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới, VASEP nhận định.

Đề cập tới thị trường EU, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng ĐứcTiến cho rằng ngoài tôm, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao của Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại nhà của người châu Âu đã tăng mạnh do tác động của dịch bệnh. Hiệp định EVFTA với ưu đãi đặc biệt về thuế quan mở ra tiềm năng lớn cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

“Trước 1/8/2020, khi EVFTA chưa có hiệu lực, trung bình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Song, sang tháng 8-9/2020, tăng trưởng mặt hàng này lên tới 11-13%. Điều đó cho thấy EVFTA đang mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU”, ông Tiến nhấn mạnh.

T.An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/cac-nuoc-tranh-mua-ca-ngu-viet-tao-nen-lich-su-hiem-co-687478.html