Các 'ông lớn' FDI đưa loạt kiến nghị gỡ khó về thuế tối thiểu toàn cầu

Từ năm 2024, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ chịu thuế tối thiểu toàn cầu, do đó các doanh nghiệp này đã kiến nghị loạt giải pháp nhằm đảm bảo môi trường đầu tư

Ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu

Ngày 18/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.

Tại hội thảo, Bộ trưởng cho biết nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời đặt ra thách thức mới cho cơ quan quản lý. Đặc biệt, biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn hành vi làm "xói mòn" cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này.

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và nhà nghiên cứu đã có một số đề xuất góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể, cần ban hanh chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Theo đó, cần bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Ngoài ra, nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng bán cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, hỗ trợ cho công nhân, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.

Ông Minh cho rằng để thực hiện được chương trình hỗ trợ, Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Doanh nghiệp FDI đưa ra loạt kiến nghị

Dưới góc độ doanh nghiệp FDI, ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo dựng được môi trường đầu tư có những điểm riêng biệt hơn so với các quốc gia khác nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI, ngược lại sẽ đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam.

Ông đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc áp dụng QDMTT theo khuyến nghị của OECD và cân nhắc nâng thuế suất thuế TNDN lên bằng mức tối thiểu hoặc áp dụng thuế tối thiểu nội địa chung không đạt chuẩn.

OECD cung cấp các công thức tính toán như thuế suất hiệu quả, thuế bổ sung để các quốc gia đang phát triển có thể dễ dàng áp dụng. Bên cạnh đó tránh vấn đề đánh thuế 2 lần, đặt biệt khi Việt Nam vận hành quản lý theo hệ thống thuế quốc tế, sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của hệ thống thuế Việt Nam.

Do đó, khi thông qua áp dụng QDMTT dựa trên quy định của OECD giúp Việt Nam duy trì quyền đánh thuế của mình, đồng thời có thể tạo ra nguồn thu từ thuế bổ sung để chuẩn bị ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI.

Ông Robert King - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam nhận định bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam tại thời điểm này là đạt được hai mục tiêu quan trọng về chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Vì vậy, ông Robert King đề nghị Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Hơn nữa, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh, trong đó các khoản hỗ trợ phải đảm bảo sẽ không chỉ áp dụng cho những đối tượng bị ảnh hưởng của việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu, mà cần mở rộng ra cho cả các đối tượng khác.

Ngoài ra, Chính phủ có thể cân nhắc giải pháp tài chính hỗ trợ song không được thể hiện mối liên quan đến số thuế nộp bổ sung.

Đại diện Ernst & Young cho rằng, bối cảnh suy thoái kinh tế chung cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối tượng ảnh hưởng của các quy tắc này lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy, tại thời điểm này sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng".

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cac-ong-lon-fdi-dua-loat-kien-nghi-go-kho-ve-thue-toi-thieu-toan-cau-a603603.html