Các quốc đảo Thái Bình Dương tìm cách cân bằng nước lớn tại thượng đỉnh với Mỹ

Trong ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương, Mỹ đã lần đầu tiên công bố chiến lược đối tác Thái Bình Dương với những mục tiêu và cách tiếp cận cụ thể đối với khu vực này.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương kéo dài trong hai ngày tại thủ đô Washington, Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden lần đầu tiên công bố một chiến lược Thái Bình Dương cụ thể, nằm trong khuôn khổ chiến lược tổng thể Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: RNZ.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: RNZ.

Nội dung của chiến lược

Nội dung chiến lược này khẳng định các quần đảo Thái Bình Dương, chiếm khoảng 15% bề mặt Trái Đất là một tiểu khu vực quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với những cơ hội và thách thức từ cuộc khủng hoảng khí hậu cho tới một viễn cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.

Chiến lược của Mỹ cũng khẳng định tương lai Thái Bình Dương và tương lai nước Mỹ liên kết với nhau, thịnh vượng và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chính vì vậy, chính quyền Biden đang mở rộng can dự với các quần đảo Thái Bình Dương và coi đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.

Chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ có 4 mục tiêu chính: thứ nhất là xây dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hiện diện ngoại giao cũng như can dự của Mỹ ở khu vực.

Thứ hai, kết nối các quần đảo Thái Bình Dương với thế giới trong đó Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương là nơi để các bên cùng chung tiếng nói nhằm thúc đẩy các ưu tiên và can dự với các đối tác khác bao gồm Mỹ.

Thứ ba, xây dựng khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương bền vững và sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và các thách thức khác của thế kỷ 21. Với mục tiêu này, Mỹ cam kết duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của mình trong ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phối hợp với các quốc đảo Thái Bình Dương trong thích ứng và quản lý các tác động của biến đổi khí hậu.

Nội dung mục tiêu này cũng nêu rõ khu vực cũng phải đối mặt với các thách thức về an ninh và chủ quyền bao gồm cả trong lĩnh vực hàng hải và Mỹ sẽ cùng chính phủ và người dân các nước Thái Bình Dương đảm bảo họ có sự tự chủ và an ninh để thúc đẩy các lợi ích riêng của mình.

Mục tiêu cuối cùng của chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ là trao quyền và mang lại thịnh vượng cho người dân các quốc đảo Thái Bình Dương. Mỹ cam kết tăng cường thương mại và đầu tư với các quốc đảo Thái Bình Dương, mở rộng quan hệ nhân dân, cải thiện cấu trúc y tế ở Thái Bình Dương, mang lại cơ hội phát triển và giáo dục cho người dân Thái Bình Dương với sự tập trung dành cho phụ nữ và thanh niên.

Với chiến lược đối tác Thái Bình Dương lần đầu tiên được công bố, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ lịch sử, văn hóa và nhân dân với các quốc đảo Thái Bình Dương. Mỹ nhấn mạnh rằng, trong thập kỷ mang tính quyết định này, Mỹ sẽ xích lại gần hơn với các quốc đảo Thái Bình Dương về mặt cá nhân cũng như khu vực, phối hợp với các đối tác và đồng minh đồng thời tạo ra cơ hội và cùng hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức của khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng khí hậu.

Phản ứng của các quốc đảo Thái Bình Dương khi đón nhận đề xuất của Mỹ

Nam Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn nằm rải rác trên các đảo nhỏ. Nếu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ, Châu Âu và Châu Á đã phát triển mạnh mẽ thì khu vực Nam Thái Bình Dương lại không có nhiều sự thay đổi. Mặc dù có vị thế địa chiến lược quan trọng nhưng dân số ít, thị trường nhỏ nên khu vực này không có nhiều sức hấp dẫn về kinh tế.

Vì vậy không chỉ chính phủ các nước Phương Tây mà cả các doanh nghiệp cũng không quan tâm nhiều đến khu vực này. Hệ quả là nền kinh tế xã hội phát triển chậm hơn các khu vực khác của thế giới. Vì vậy điều mà các nước này đang rất cần đó là các hỗ trợ để cải thiện nền kinh tế xã hội và sự tích cực hơn của Mỹ trong nỗ lực ứng phó với biến đổi để làm chậm lại tốc độ nóng lên của trái đất, qua đó làm chậm lại tốc độ các quốc đảo ở Thái Bình Dương bị nước biển xâm lấn.

Rất nhiều cam kết về tăng cường đầu tư và trao đổi thương mại, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các quốc gia Thái Bình Dương ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác về giáo dục, y tế, kết nối người dân…đã chạm đến những vấn đề mà khu vực đang rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt từ phía Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Fiji khẳng định chiến lược này thể hiện sự kết nối chặt chẽ hơn của Mỹ đối với khu vực và hoan nghênh chiến lược này cũng như việc Mỹ trở thành một quốc gia Thái Bình Dương như vốn có. Tuy nhiên, dường như không phải tất cả các quốc gia trong khu vực đều nghĩ như vậy.

Truyền thông khu vực cho biết một bức thư rò rỉ của Đại sứ Palau, Liên bang Quần đảo Marshall và Quần đảo Marshall gửi ông Kurt Campbell, điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy ba quốc gia này cho rằng các đề nghị của Mỹ đối với khu vực được đưa ra “dựa trên những đánh giá không hiệu quả” và “không thống nhất với những đóng góp của các quần đảo cho an ninh và sự ổn định trong khu vực”. Thực tế này cho thấy những đề nghị hợp tác của Mỹ đang nhận được phản ứng khác nhau trong khu vực.

Cân bằng giữa các nước lớn

Mỹ vừa công bố chiến lược Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc bất ngờ ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon và ký 50 thỏa thuận riêng lẻ với các nước trong khu vực song không ký được thỏa thuận hợp tác chung trong nhiều lĩnh vực với các nước. Thực tế này cho thấy rõ sự cạnh tranh đang ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực này.

Các nước trong khu vực cũng nhận thấy điều này và không ít nhà lãnh đạo đã lên tiếng về việc không muốn biến khu vực trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước khi hội nghị diễn ra, Solomon chần chừ chưa muốn tham gia tuyên bố chung vì cần thêm thời gian để nghiên cứu về nội dung. Các nước trong khu vực cũng duy trì cách tiếp cận không tấn công trực diện vào quan hệ của khu vực với Trung Quốc, quốc gia đầu tư hơn 2,7 tỷ USD và cung cấp 1,7 tỷ USD vốn viện trợ phát triển cho khu vực.

Điều này được thể hiện rõ qua hội nghị của Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương vào tháng 7/2022 và cả tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Thái Bình Dương lần đầu tiên này khi yêu cầu Mỹ loại bỏ một số nội dung trong tuyên bố có thể khiến các nước này khó xử trong quan hệ với Trung Quốc. Thực tế này cho thấy các quốc gia Thái Bình Dương đang rất cần sự hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển khu vực song họ cũng đang cố gắng để không bị đẩy vào thế cạnh tranh các nước lớn./.

Phạm Huân, Việt Nga/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-quoc-dao-thai-binh-duong-tim-cach-can-bang-nuoc-lon-tai-thuong-dinh-voi-my-post974148.vov