Các quỹ đầu tư có xu hướng đổ vốn vào startup châu Á ở giai đoạn đầu

Nguồn vốn từ các quỹ mạo hiểm đổ vào các công ty khởi nghiệp châu Á đang bắt đầu đổi dòng chảy. Các quỹ đang chú trọng giai đoạn 'ươm mầm' của các startup hơn là thời điểm 'thu hoạch' – tức lúc các công ty này chuẩn bị bán công khai cổ phiếu lần đầu (IPO) – trong bối cảnh giá cổ phiếu công nghệ đỏ sàn ngay vừa khi lên sàn.

Khi các quỹ mạo hiểm đưa ra cam kết và thực hiện rót vốn, dòng tiền vẫn chảy đều vào các startup. Số thương vụ rót vốn cho startup châu Á trong quí đầu năm là 2.875, nhiều hơn khoảng 10% so với năm trước. Các nhà đầu tư đã rót 36,3 tỉ đô la, giảm 34% so với mức kỷ lục 54,7 tỉ đô la trong quí 3-2021. Theo hãng dữ liệu CB Insights, con số này giảm chút ít so với mức 36,7 tỉ đô la của cùng kỳ năm ngoái.

Sau các đợt giá cổ phiếu công nghệ trượt dài trong năm ngoái, các quỹ đầu tư giờ chuộng rót vào các công ty khởi nghiệp non trẻ. Đồ họa: AP/Nikkei Asia

Startup non trẻ dễ huy động vốn, định giá cao hơn

Kaede Kotsuki, đối tác của quỹ đầu tư Lun Partners Group có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Nikkei Asia: “Đối với các công ty ở giai đoạn đầu, chúng tôi không nghĩ rằng đã có sự điều chỉnh vốn lớn. Một số quỹ lớn ở Mỹ và Trung Quốc đã gọi được lượng số vốn khổng lồ và phần lớn nguồn tiền đang loay hoay chưa biết chảy về đâu. Đặc biệt là đối với các công ty ở giai đoạn đầu, họ có thể huy động vốn khá dễ dàng”.

Các startup châu Á ít nhạy cảm với biến động thị trường đại chúng trong giai đoạn đầu. Vốn đầu tư cho các startup này chiếm 67% tổng số thương vụ trong quí đầu tiên, tăng từ 64% vào năm 2021. Định giá trung bình của các công ty này đã tăng lên 30 triệu đô la từ 22 triệu đô la trong quí 4 năm ngoái – tức tăng gần 40%.

Chua Kee Lock thuộc quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex Holdings có trụ sở tại Singapore nhận định rằng: “Áp lực đè nén lên định giá của startup vào lúc IPO sẽ khiến giá trị thị trường của startup thấp hơn các giai đoạn sau. Những người bỏ tiền vào giai đoạn sau hay giai đoạn tăng tốc sẽ rất nhạy cảm với mức định giá IPO tiềm năng như thế nào. Trước đây, mức định giá cho vòng gọi vốn cuối từng gấp 10-15 lần doanh thu. Giờ thì chắc còn 8-9 lần mà thôi”.

Dịch Covid-19 trong hai năm qua là cú hích cho các hãng công nghệ, thúc đẩy nhiều hãng lên sàn và tạo những thương vụ IPO lớn như Coupang ở Hàn Quốc, Bukalapak ở Indonesia và Paytm ở Ấn Độ. Các hãng công nghệ ASEAN như Grab hay GoTo đều đã lần lượt lên sàn. Nhưng cho đến giờ, ngoại trừ GoTo vừa lên sàn hôm 11-4, giá cổ phiếu các hãng trên đều đã giảm hơn 50% sau khi leo đến đỉnh.

“Thuyền càng to, sóng càng lớn”

Theo CB Insights, định giá trung bình cho các công ty giai đoạn cuối đã giảm từ 681 triệu đô la xuống còn 600 triệu đô la – giảm gần 12%. Những đợt bão táp trên thị trường chứng khoán sẽ đặt ra thách thức cho các công ty giai đoạn cuối ở châu Á đang chuẩn bị IPO.

Mảng dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ đang đứng đầu danh sách các thương vụ rót vốn lớn nhất trong quí 1, với Getir của Thổ Nhĩ Kỳ huy động được 768 triệu đô la và Swiggy của Ấn Độ gọi được 700 triệu đô la. Swiggy đã bắt đầu chuẩn bị để huy động ít nhất 800 triệu đô la trong một đợt chào bán công khai lần đầu vào đầu năm sau. Tháng 3 vừa rồi, hãng giáo dục trực tuyến Byju’s của Ấn Độ nói đã huy động được 800 triệu đô la, nhưng đến 50% trong số đó do vị CEO và đồng sáng lập của Byju’s góp.

Trên phạm vi toàn cầu, các startup liên quan đến tiền điện tử đứng đầu trong các giao dịch rót vốn lớn ở giai đoạn đầu. Yuga Labs công ty Mỹ đứng sau các thương hiệu NFT đã huy động được 450 triệu đô la trong tháng rồi. Sự cuồng nhiệt đã lan sang châu Á. Công ty khởi nghiệp trò chơi tiền điện tử có trụ sở tại Singapore, Ethlas Labs, gần đây đã thông báo bổ nhiệm Wui Ngiap Foo, cựu giám đốc công nghệ của Grab, làm giám đốc điều hành cùng với 6 triệu đô la vốn đầu tư.

Ở Trung Quốc, các startup liên quan đến phần cứng, chẳng hạn như các hãng liên quan đến lĩnh vực bán dẫn và năng lượng, đã huy động được số tiền lớn trong giai đoạn đầu.Trong tháng 2, nhà phát triển chip được sử dụng trong thiết bị mạng Clounix nói đã huy động được 400 triệu nhân dân tệ (63 triệu đô la) sau khi huy động được số tiền tương tự vào tháng 10-2021. Cũng trong tháng 2, Energy Singularity, công ty đang phát triển công nghệ nhiệt hạch để tạo ra điện, cũng đã huy động được gần 400 triệu nhân dân tệ

Đồng vốn mạo hiểm giờ như chuyện “lọt nia xuống sàn”. Nhà phân tích Chua của Vertex Holdings cảnh báo rằng áp lực định giá ở giai đoạn cuối sẽ chuyển dòng tiền xuống các startup non trẻ.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-quy-dau-tu-co-xu-huong-do-von-vao-startup-chau-a-o-giai-doan-dau/