Các start-up chạy đua rút tiền từ Silicon Valley đã sụp đổ

Sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley - ngân hàng hàng đầu tại thung lũng Silicon - đang khiến các start-up thêm chật vật giữa lúc đối mặt với tình trạng sa thải trên diện rộng.

Hai năm trước, Ashley Tyrner mở tài khoản tại Silicon Valley cho công ty của mình - FarmboxRx. Cô cần huy động vốn đầu tư mạo hiểm và hiểu rằng ngân hàng là nơi phù hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi nghe tin về tình hình tài chính tại ngân hàng này hôm 9/3, Tyrner đã vội chuyển tiền vào hai tài khoản ngân hàng khác, song yêu cầu của cô đã không thành công.

“Đó là 24 giờ tồi tệ nhất cuộc đời tôi”, Tyrner nói.

Đến ngày 10/3, Silicon Valley chính thức sụp đổ, “trói chặt” tài khoản 8 chữ số của FarmboxRx.

Theo CNN, các nhà quản lý California đã đóng cửa ngân hàng và trao quyền kiểm soát cho Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).

Động thái này kết thúc 48 giờ hỗn loạn khi tính thanh khoản bất ổn của ngân hàng Silicon Valley khiến nhiều start-up lao đi rút tiền, làm dấy lên lo ngại rủi ro lan rộng trong ngành tài chính.

Các doanh nhân đua nhau vay tiền trả lương vì nguồn tiền của họ bị phong tỏa tại ngân hàng. Trong khi đó, các nhà đầu tư họp khẩn để tìm kiếm lời khuyên và nhiều khách hàng tập trung bên ngoài các chi nhánh ngân hàng.

Start-up tháo chạy

Theo New York Times, vụ sụp đổ đã làm rung chuyển ngành công nghiệp khởi nghiệp. Do ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất và suy thoái kinh tế, nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp bị thu hẹp, dẫn đến nhiều công ty non trẻ phải sa thải hàng loạt nhân viên, cắt giảm chi phí và giảm định giá. Trong năm 2022, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ giảm 31% xuống còn 238 tỷ USD.

Trên hết, sự sụp đổ của Silicon Valley đặc biệt đáng lo ngại vì ngân hàng này tự nhận là “đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới”.

 Nhiều start-up rơi vào tình thế khó khăn sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Ảnh: Reuters.

Nhiều start-up rơi vào tình thế khó khăn sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Ảnh: Reuters.

Theo trang web chính thức, ngân hàng đã tham gia sâu vào hệ sinh thái công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính cho gần một nửa số công ty công nghệ và khoa học đời sống dựa vào nguồn vốn mạo hiểm.

Silicon Valley cũng là ngân hàng của hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm Lightspeed, Bain Capital và Insight Partners.

Bên cạnh đó, ngân hàng này quản lý tài sản cá nhân của nhiều giám đốc điều hành công ty công nghệ và là nhà tài trợ lớn cho các hội nghị, bữa tiệc và phương tiện truyền thông ở thung lũng Silicon.

Matt Ocko, nhà đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm DCVC, cho biết Silicon Valley là một “tổ chức tài chính quan trọng, tạo điều kiện rất lớn cho các công ty khởi nghiệp”.

Hôm 10/3, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã nắm quyền kiểm soát 175 tỷ USD tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này. Trong khi đó, nhiều khách hàng vẫn chưa nhận được thông tin về thời điểm được lấy lại tiền, khiến họ rơi vào tình thế khó khăn.

Hôm 10/3, công ty Roku cho biết khoảng 487 triệu USD tiền mặt của họ đang ở ngân hàng Silicon Valley. Các khoản tiền gửi phần lớn không được bảo hiểm và họ không biết có thể thu hồi bao nhiêu.

Josh Butler, Giám đốc điều hành của CompScience, cũng cho hay ông không thể rút tiền ra khỏi ngân hàng trước khi ngân hàng sụp đổ.

“Mọi người từ các nhà đầu tư, nhân viên cho đến mẹ tôi đều gọi hỏi chuyện gì đang xảy ra. Câu hỏi lớn là bao lâu nữa chúng tôi có thể tiếp cận số tiền còn lại? Điều đó hoàn toàn đáng sợ”, ông Butler nói.

CompScience đang tạm dừng chi tiêu tiếp thị, bán hàng và tuyển dụng cho đến khi giải quyết được những mối quan tâm cấp bách hơn, chẳng hạn tiền lương.

Ông Butler đã chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng lớn khi nhận thấy sự u ám bao trùm ngành công nghiệp này. Nhưng ông "chưa bao giờ dự đoán nó sẽ xảy ra tại ngân hàng Silicon Valley".

Camp - công ty khởi nghiệp bán quà tặng và trải nghiệm cho trẻ em - cũng thêm một biểu ngữ trên trang web với nội dung: “Ngân hàng của chúng tôi vừa đóng cửa. Vì vậy, mọi thứ đang được giảm giá!”.

Công ty này đã tung mã “bankrun” (ám chỉ hiện tượng người gửi đồng loạt rút tiền) và giảm giá 40% cho khách hàng. Một đại diện của Camp cho biết chương trình giảm giá có liên quan đến sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley nhưng từ chối bình luận thêm.

Vấn đề sống còn

Trong khi đó, Sheel Mohnot - nhà đầu tư tại Better Tomorrow Ventures - cho biết từ ngày 9/3, công ty của ông đã khuyên các start-up chuyển tiền vào kho bạc và mở các tài khoản ngân hàng khác.

“Một khi cuộc tháo chạy bắt đầu, thật khó để dừng lại”, ông nhận định.

Ông Mohnot nói thêm một số công ty khởi nghiệp đã chọn không rút tiền, trong khi những công ty khác không thể hành động kịp thời trước khi ngân hàng phá sản. Hiện giờ, mối quan tâm lớn nhất của họ là tiền lương và tiếp đến là thanh toán hóa đơn.

Một chi nhánh ngân hàng Silicon Valley ở California đóng cửa hôm 10/3. Ảnh: Reuters/Jeffrey Dastin.

Haseeb Qureshi, từ Dragonfly - công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền điện tử, cũng cho biết công ty của ông đang tư vấn cho một số start-up gửi tiền tại Silicon Valley.

“Điều đầu tiên cần nghĩ đến là sự sống còn. Đó là một khoảnh khắc đau khổ với rất nhiều người”, ông nói.

Các công ty khởi nghiệp phi công nghệ cũng đang vật lộn với vụ sụp đổ. Vox Media, nhà xuất bản tạp chí New York và Verge, có lượng tiền mặt đáng kể tại ngân hàng Silicon Valley. Thẻ tín dụng của công ty do ngân hàng phát hành đã ngừng hoạt động vào ngày 10/3.

Ngược lại, một số công ty khởi nghiệp đang hưởng lợi từ “cơn địa chấn” này. Hôm 10/3, Brex - nhà cung cấp dịch vụ tài chính cho các start-up - công bố “hạn mức tín dụng bắc cầu khẩn cấp” cho những khách hàng mới chuyển từ ngân hàng Silicon Valley, nhằm giúp đỡ họ trang trải chi phí.

Theo nguồn thạo tin, hôm 9/3, Brex đã nhận được hàng tỷ USD tiền gửi từ hàng nghìn công ty. Người này nói thêm công ty đã gấp rút mở tài khoản càng nhanh càng tốt để đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, đến chiều 9/3, các khoản tiền gửi đến Brex chậm lại, khi doanh nghiệp nhận thấy cổng thông tin trực tuyến của ngân hàng Silicon Valley đã đóng băng và khách hàng không thể tiếp cận nguồn tiền của họ.

Rõ ràng các quan chức và giới phân tích có lý do để lo ngại về sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Song, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tự tin các nhà quản lý ngân hàng sẽ có động thái đảm bảo hệ thống tài chính ổn định.

Ông Ocko cũng nhận định chưa có dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ mang tính hệ thống giữa các công ty khởi nghiệp và công nghệ, song ông lo ngại các start-up sẽ đối mặt thêm “khó khăn, sự không chắc chắn và tình thế phức tạp trong môi trường vĩ mô vốn đã nhiều thách thức”.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-start-up-chay-dua-rut-tien-tu-silicon-valley-da-sup-do-post1410967.html