Các tập đoàn năng lượng lớn còn cách rất xa mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris

Theo một báo cáo của Carbon Tracker, các công ty dầu mỏ lớn đang theo đuổi các dự án mâu thuẫn với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hình minh họa

Theo báo cáo được công bố hôm thứ Tư của Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker, các công ty dầu mỏ lớn vẫn tiếp tục thực hiện các dự án mâu thuẫn với Hiệp định khí hậu Paris, và không đi đúng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C do cộng đồng quốc tế đặt ra.

Vào thời điểm ông chủ Aramco - gã khổng lồ của Ả Rập Saudi đang chỉ tay vào chiến lược chuyển đổi năng lượng toàn cầu này (“là một sự thất bại”, ông Amin Nasser tuyên bố với các đối tác đang họp tại Texas vào hôm thứ Hai), Carbon Tracker gửi một thông điệp tới các nhà đầu tư, yêu cầu họ ưu tiên các công ty đã chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi.

Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá bao gồm dự án đầu tư, dự án được phê duyệt, kế hoạch sản xuất, mục tiêu phát thải CO2, chính sách đãi ngộ. Cho đến nay, vẫn chưa có công ty nào đạt loại A. Theo tác giả bài báo cáo “Kết quả trên cho thấy các công ty năng lượng lớn chưa có những hành động cần thực hiện để đáp ứng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

Trong báo cáo, công ty dầu khí BP của Anh được đánh giá cao nhất, đạt loại D (theo thanh đánh giá từ A đến H), nhờ “tham vọng giảm sản lượng vào năm 2030”. Tuy nhiên, công ty BP đã điều chỉnh giảm mục tiêu vào năm ngoái, hiện đang tính đến mức giảm 25%, thấp hơn mức 40% của năm 2019.

Xếp sau là 6 công ty đạt loại E: bao gồm tất cả các công ty lớn của Châu Âu (như Equinor, Repsol, Eni, Shell và TotalEnergies) và công ty Chesapeake của Mỹ. Chesapeake cũng như các công ty Mỹ khác có thứ hạng tổng thể kém hơn, đã không còn phê duyệt bất kỳ dự án nào gần đây và do đó đã đạt được điểm tối đa là 4 cho tiêu chí này.

Các công ty Aramco, Petrobras của Brazil, ExxonMobil và Pioneer của Mỹ đứng cuối bảng xếp hạng “một phần là do các mục tiêu rõ ràng của họ là giảm lượng khí thải CO2, nhưng cũng mong muốn tăng sản lượng (ít nhất) trong thời gian ngắn. Các công ty này đạt loại “G”, cuối bảng là Conoco Phillips của Mỹ với loại “H” vì điểm kém nhất trong mọi lĩnh vực, trừ các dự án gần đây.

Carbon Tracker hy vọng bảng xếp hạng này “có thể hướng các nhà đầu tư đến những khía cạnh mà họ có thể tác động đến để có thể cải thiện hiệu suất”. Bởi vì việc đánh giá các công ty này ngoài mặt tuân thủ các quy định của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, song song đó họ còn phải “đối mặt với những rủi ro của quá trình chuyển đổi năng lượng”, Carbon Tracker nhấn mạnh “nhu cầu về hydrocarbon giảm có thể dẫn đến giá ngày càng thấp hơn trong tương lai”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-tap-doan-nang-luong-lon-con-cach-rat-xa-muc-tieu-khi-hau-cua-hiep-dinh-paris-707833.html