Các thí nghiệm tự thân trong lịch sử y khoa

(SKDS) – Câu chuyện y học từ xưa vẫn lưu lại đến ngày nay là nhiều nhà khoa học sử dụng chính bản thân mình như là một vật thí nghiệm nếu họ không tìm được bất kỳ ai là tình nguyện viên hoặc nếu họ cảm thấy là vô đạo đức khi yêu cầu người khác chịu đựng các rủi ro. Tự lấy bản thân làm vật thí nghiệm là một hành động vì khoa học song có thời kỳ nó cũng bị cho là điên rồ. Dưới đây là câu chuyện kỳ thú mà các nhà khoa học dùng chính bản thân mình để thí nghiệm.

Kiểm tra việc nhiễm sán

Ngày 10/10/1878, bác sĩ người Sicily, Giovanni Battista Grassi đã tiến hành khám nghiệm tử thi khi ông phát hiện ruột già trong xác chết đã bị thủng vì sán dây (Ascaris lumbricoides) và trứng của chúng. Giovanni Battista Grassi ngay tức khắc nhận ra rằng ông có thể ăn trứng sán dây để chứng minh rằng có thể lây nhiễm sán dây vào cơ thể mình theo cách này. Tuy nhiên, để tiến hành thí nghiệm đúng cách, Grassi đã tiến hành việc xác định xem liệu mình đã thực sự bị nhiễm hay chưa. Vì thế, ông đã lấy trứng sán dây ra khỏi ruột tử thi và đặt chúng trong phân ẩm nơi đó trứng sán dây có thể sống vô thời hạn.

Sau đó, hàng ngày Grassi đã cẩn thận kiểm tra phân của mình suốt một năm nhằm xác nhận việc mình có bị nhiễm sán hay không? Cuối cùng, vào ngày 20/7/1879, Grassi tự tin múc khoảng 100 trứng sán trong phân đã được bảo quản và nuốt trọn chúng vào bụng. Một tháng sau, Grassi cảm thấy ruột đau nhói và đã tìm thấy trứng sán trong phân của mình. Từ thí nghiệm thành công trên, Grassi đã nghiên cứu để bào chế ra thuốc thảo mộc trị giun sán. Tuy nhiên, thí nghiệm nuốt giun sán của Grassi khiến các nhà nghiên cứu ký sinh vật kinh hãi. Nhưng có lẽ Grassi còn phải chào thua “hậu bối” người Nhật Bản Shimesu Koino khi vào năm 1922, vị bác sĩ này đã lập kỷ lục nuốt trọn 2.000 trứng sán Ascaris lumbricoides để tự thí nghiệm cho chính mình.

Tự tiêm cocaine

Cocaine là thuốc gây tê cục bộ đầu tiên được sử dụng trong y học, nhờ có nó các bác sĩ phẫu thuật có thể tránh phụ thuộc vào các loại thuốc gây mê, gây tê tổng hợp nhiều tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bệnh nhân có phản ứng xấu với thuốc. Vì sao nên nỗi? Nhằm chứng minh lý do hình thành nên phản ứng ngược trên, bác sĩ chuyên khoa hậu môn người Nebraska (Mỹ), Edwin Katskee tự chứng minh bằng cách tiêm một liều cocaine vào đêm ngày 25/11/1936. Sau đó, Edwin đã viết lại những phản ứng trong người mình trên vách tường của phòng làm việc. Nhưng vì tiêm cocaine quá liều nên Edwin Katskee đã tử vong.

Cho nhện độc chích

Tháng 11/1933, GS. Allan Walker Blair từ Đại học Alabama (Mỹ) đã dùng một cái kẹp để giữ một con nhện cái bấu vào ngón tay trỏ thuộc cánh tay trái của ông. Ngay lập tức con nhện tiêm chất kitin từ các móng vuốt của nó vào da của Allan, nó vặn xoắn cơ thể từ chiều này sang chiều kia nhằm đưa chất độc kitin vào sâu trong cơ thể nạn nhân. Allan đã cố gắng giữ con nhện nguyên vị trí trong vòng 10 giây khi chất độc của nó ngấm vào trong cơ thể ông. Mục đích cuộc thí nghiệm là nhằm kiểm chứng xem nọc độc của nhện đã làm chết người như thế nào.

Vài phút sau khi bị nhện cắn, Allan Walker Blair bắt đầu bị chuột rút cơ bắp nghiêm trọng khiến ông cảm thấy khó thở. 2 giờ sau, ông quằn quại trên sàn nhà, mồ hôi đầm đìa và phải cấp tốc nhập viện. Trong thời gian đến bệnh viện, huyết áp của ông đã giảm đáng kể. GS. Allan xác định rằng, bệnh viện đã sử dụng điện tâm đồ để xác định ảnh hưởng của nọc độc nhện đối với tim của ông. Nhưng ngạc nhiên là tim ông vẫn bình thường, không có sự thay đổi gì đáng kể. Sau một tuần liên tục mê sảng, Allan hồi phục dần dần và được cho phép về nhà. Tuy nhiên vài tuần sau đó, da ông vẫn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, GS. Allan kết luận rằng vết cắn của nhện “góa phụ đen” rõ ràng là “chất độc nguy hiểm đối với con người”.

GS. Allan Walker Blair và thí nghiệm cho nhện độc chích chính mình.

Nhà tiên phong của “điện cực khoái”

Năm 1800, Alessandro Volta công bố phát minh ra pin điện cho phép dòng điện luân chuyển liên tục, đều đặn và ổn định. Nhà vật lý trẻ người Đức Johann Wilhelm Ritter (nổi tiếng bởi khám phá ra ánh sáng cực tím) đã lợi dụng phát minh này để gắn điện lên toàn bộ cơ thể của ông. Ritter gắn nó lên lưỡi của mình để tạo ra hương vị chua. Gắn dây điện lên mũi của mình khiến cho hắt hơi. Để cho mắt tiếp xúc với cột pin điện khiến cho nhãn cầu mắt tạo ra hiện tượng màu sắc kỳ lạ trong tầm nhìn.

Ritter cũng thí nghiệm tại bộ phận sinh dục của mình bằng cách quấn quanh cơ quan sinh sản bằng một miếng vải ẩm với sữa ấm rồi cho dòng điện đi qua. Hiện tượng “của quý” cương phồng và sau đó xuất hiện “cực khoái”. Ritter trở thành nhà tiên phong của “điện cực khoái”. Không dừng lại tại đó, Ritter đã lặp lại thí nghiệm của mình nhiều lần, khiến ông phải dùng thuốc phiện để giảm cơn đau. Nhưng mắt của ông bắt đầu suy giảm, tiếp đó là thường xuyên đau đầu, co thắt cơ bắp, tê buốt và đau bụng. Phổi của ông chứa đầy chất nhầy. Lưỡi tạm thời mất cảm giác. Hay lảo đảo vì chóng mặt. Ly bì mệt mỏi nhiều tuần trên giường. Cuối cùng, Johann Wilhelm Ritter qua đời khi mới 33 tuổi.

Tự phẫu thuật

Ngày 15/2/1921, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Evan O’Neill Kane nằm trên bàn tại bệnh viện chờ được phẫu thuật ruột thừa, ông đã quyết định tiến hành một thí nghiệm ngẫu hứng nhằm tìm hiểu xem ông có thể tự mình tách bỏ ruột thừa được không? Kể từ khi ông là bác sĩ trưởng khoa tại bệnh viện, nhân viên dưới quyền buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh kỳ quặc của ông. Kane kê cao đầu để có cái nhìn cận cảnh về vùng bụng của mình. Ông tiêm cocaine và adrenalin vào thành bụng và nhanh chóng cắt các mô bề mặt, nhìn thấy đoạn ruột đang sưng lên và cắt bỏ nó.

Toàn bộ thủ thuật mất 30 phút. Kane lưu ý rằng ông có thể tiến hành các hoạt động phẫu thuật nhanh hơn nếu không có bất kỳ ai hiện diện tại nơi ông đang thí nghiệm. Kane phục hồi nhanh chóng: 14 ngày sau đó ông đã quay lại bệnh viện để phẫu thuật cho bệnh nhân. Được khuyến khích bởi thành công của mình, 11 năm sau, ở tuổi 71, Kane đã tự tiến hành phẫu thuật thoát vị, ông quyết định tự mình cầm dao mổ. Không may là lần tự phẫu thuật thứ hai này đã gặp trục trặc, Kane không hồi phục lại được, ông mắc bệnh viêm phổi và qua đời 3 tháng sau đó.

NGUYỄN THANH HẢI (Theo Mystery)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120617061425364p44c116/cac-thi-nghiem-tu-than-trong-lich-su-y-khoa.htm