Các tỉnh 'bắt tay' dẹp nạn cát tặc

Nạn cát tặc đang ngày càng lộng hành tại khu vực Đông Nam Bộ (ĐNB). Từ vùng biển Cần Giờ đến sông Sài Gòn, Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng… đâu đâu cũng thấy cát tặc. Việc xử lý cũng như truy bắt các vụ vi phạm đang gặp nhiều cản trở vì quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực chưa chặt chẽ.

UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và cả Bến Tre, Tiền Giang, Lâm Đồng… bàn cách xử lý triệt để nạn cát tặc.

Cát tặc lộng hành vùng giáp ranh

Từ năm 2013, TP.HCM đã ngừng cấp phép khai thác khoáng sản, hiện chỉ có 5 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy có tận thu khoáng sản theo chủ trương của Bộ GTVT.

Một bãi tập kết và sà lan vận chuyển cát trên sông Sài Gòn. Ảnh: H.V

Theo trung tá Võ Văn Hữu – Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.HCM, hnh vi khai thác cát trái phép không gây hậu quả tức thì nên rất khó để khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Bộ luật Hình sự 2015, muốn khởi tố hình sự hành vi này thì lượng tang vật phải trị giá từ 500 triệu hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên trên các tuyến sông giáp ranh và khu vực biển Cần Giờ. Số liệu các vụ vi phạm được phát hiện, xử lý những năm gần đây cho thấy tình trạng khai thác và vận chuyển cát trái phép ngày càng tăng. “Trên vùng biển Cần Giờ, các đối tượng vi phạm sử dụng sà lan 500-1.000 tấn lắp đặt các thiết bị bơm hút trực tiếp và di chuyển đi tiêu thụ, trong khi ở các tuyến sông phương tiện vi phạm là ghe nhỏ nên cũng khó truy bắt, xử lý” - ông Thắng cho biết.

Báo cáo của Sở TNMT TP.HCM cho thấy nạn cát tặc tăng theo từng năm. Chỉ riêng từ đầu năm 2107 đến nay đã phát hiện và xử lý 62 vụ khai thác và vận chuyển trái phép, bắt 199 đối tượng, tịch thu 132 phương tiện và phạt hành chính 7,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho hay, tình hình khai thác cát trái phép rất phức tạp và khó xử lý, thậm chí nhiều vụ các đối tượng vi phạm rất manh động, chống trả quyết liệt. Ông Thường nhìn nhận, mặc dù Đồng Nai và TP.HCM có phối hợp quản lý và xử lý theo quy chế 37 nhưng chưa hiệu quả. Ông Thường cho biết, dù đã ngưng cấp phép khai thác để đánh giá lại nhưng cũng đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ khai thác trái phép, chuyển công an xử lý hơn 100 vụ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, tỉnh này không cấp phép khai thác cát ở lòng hồ Dầu Tiếng nhưng phía tỉnh Tây Ninh lại cho nên các phương tiện vận chuyển, gồm cả cát khai thác trái phép vẫn “quá cảnh” qua ngả Bình Dương.

Cho vượt ranh giới để truy bắt

CSGT đường thủy TP.HCM bắt cát tặc trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa quận 9 và Đồng Nai. H.V

Theo ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM, hiện nay nguồn cát đang khan hiếm, thị trường có nhiều biến động nên một số cá nhân, tổ chức lợi dụng các vùng giáp ranh để khai thác trái phép. Vì thế, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc, tăng cường kiểm tra, lập chốt 24/24 giờ, đồng thời phối hợp với các địa bàn lân cận để xử lý.

Mặc dù kiên quyết xử lý nhưng phần lớn các tỉnh đều than việc xử lý “cát tặc” rất khó, mà nguyên nhân chính từ việc thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành tại những vùng giáp ranh. Đại diện tỉnh Bình Dương cho hay, quy định hiện hành chỉ cho phép tịch thu phương tiện vi phạm nếu khối lượng tang vật từ 50m3 trở lên. Biết được quy định này, cát tặc thường dùng phương tiện vận chuyển nhỏ dưới 50m3, khi bị bắt cũng khó tịch thu phương tiện. “Người vi phạm rất rành vụ này, họ chỉ chở chừng 40 khối, có bị bắt thì chỉ phạt rất nhẹ, đi trót lọt một vài chuyến là vẫn có lời” – ông này nói.

Đồng thời, theo ông Mai Hùng Dũng, nhiều dự án nạo vét nằm giáp ranh giữa các địa phương nên chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho quá trình giám sát, kiểm tra. “Phải có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để xử lý triệt để nạn cát tặc” - ông Dũng đề xuất. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cũng đề nghị các tỉnh thống nhất cơ chế phối hợp không hạn chế ranh giới. Theo ông Huỳnh Cách Mạng, xử lý nạn cát tặc phải truy đuổi tận cùng, không để các đối tượng vi phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh bỏ trốn.

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/cac-tinh-bat-tay-dep-nan-cat-tac-822100.html