Các tỉnh miền núi phía bắc nỗ lực cho một kỳ thi an toàn

Bảo đảm an toàn cho thí sinh trước dịch COVID-19 và mưa lũ là nhiệm vụ mà ngành giáo dục một số tỉnh miền núi phía bắc đặt ra với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 diễn ra trong khoảng 1 tuần nữa.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi. Ảnh: Báo Lai Châu

Tại Lai Châu, kỳ thi nay toàn tỉnh có 3.316 thí sinh đăng ký dự thi tại 18 điểm thi, với 172 phòng thi chính thức, 24 phòng thi dự phòng, 18 phòng cách ly dịch bệnh (nếu có) tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh.

Để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, căn cứ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và thực tế địa phương, Sở GD&ĐT đề xuất 3 phương án. Phương án 1, tính từ ngày 12/7/2020 trở lại đây, các điểm thi không có học sinh về từ vùng có dịch thì tổ chức thi bình thường. Phương án 2, tính từ ngày 12/7/2020 trở lại đây, các điểm thi có học sinh đến/về từ vùng có dịch, nếu chưa hết thời gian cách ly tại nhà theo quy định, thì tổ chức thi theo phòng riêng. Phương án 3, trong thời gian thi, nếu có học sinh phải cách ly tập trung, Sở báo cáo Bộ GD&ĐT có phương án xử lý.

Đặc biệt, tại các trường ở địa bàn hay xảy ra lũ (do đang vào mùa mưa), Sở GD&ĐT đã có kế hoạch và phương án về chỗ ăn, ở cho học sinh trong thời gian tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn cho các thí sinh; chuẩn bị các điều kiện cho điểm thi dự phòng như điểm thi chính thức để ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra. Bố trí phương tiện đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Sở GD&ĐT tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các điểm thi. Ngay tại các cổng vào điểm thi, bố trí nhân viên đo thân nhiệt; cán bộ coi thi và học sinh mang khẩu trang trong suốt quá trình tham gia thi, chuẩn bị nước sát khuẩn tại các phòng thi...

Tại Cao Bằng, năm nay có hơn 4.600 thí sinh dự thi ở 20 điểm thi. Kỳ thi năm nay diễn ra vào đầu tháng 8 nên mưa lũ, sạt lở đất có thể xảy ra. Theo đó, tỉnh đã có phương án để ứng phó với với tình huống bất thường do thiên tai.

Hiện tại, tỉnh đã xây dựng phương án xử lý các tình huống xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, ách tắc giao thông; phương án hỗ trợ thí sinh hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, nhà cách xa địa điểm thi về nơi ăn, chỗ nghỉ, suất ăn và nước uống miễn phí.

Về ứng phó dịch bệnh COVID-19, tại 20 điểm thi (214 phòng thi), mỗi điểm thi đều bố trí từ 1-2 phòng thi dự phòng. Từ ngày 3-4/8, tổ chức phun khử trùng và thực hiện công tác vệ sinh khu vực thi tại tất cả các điểm thi; bố trí nước rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt… tại khu vực thi và thực hiện đeo khẩu trang với tất cả đối tượng liên quan.

Tại Hà Giang, toàn tỉnh có 29 điểm thi với 5.639 thí sinh dự thi. Đến thời điểm hiện tại, các cấp, các ngành đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.

Tỉnh huy động các nguồn lực, nhất là lực lượng tại chỗ, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh xảy ra trong thời gian thi.

Với các học sinh xa nhà phải thuê trọ, các trường đã trao đổi với chủ nhà trọ về việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các em. Các giáo viên chủ nhiệm được giao nhiệm vụ quản lý học sinh và giữ liên lạc với học sinh và phụ huynh.

Tại Sơn La, kỳ thi này toàn tỉnh bố trí 33 điểm thi với 11.688 thí sinh đăng ký dự thi tại 517 phòng thi. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi này.

Theo đó, các phương án, kịch bản chi tiết đối với từng tình huống dịch bệnh, mưa lũ đã được bàn thảo kỹ tại hội nghị tập huấn về kỳ thi THPT 2020 nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn.

Học sinh tại Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên, Yên Bái ôn thi. Ảnh: Báo Yên Bái

Tại Yên Bái, năm nay toàn tỉnh bố trí 337 phòng thi tại 27 điểm thi.

Để bảo đảm an toàn cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Yên Bái đã rà soát, lập danh sách cán bộ, giáo viên, học sinh của các đơn vị đi từ Đà Nẵng trở về địa phương chưa qua 14 ngày thực hiện ngay cách ly, khai báo y tế.

Hiện trên địa bàn chưa phát hiện người nhiễm COVID-19 nhưng có người dân, cán bộ, giáo viên, học sinh từ Đà Nẵng và các vùng có nguy cơ dịch trở về chưa qua 14 ngày, trong đó có 1 học sinh lớp 12 tại huyện Yên Bình (thi đấu thể thao từ Đà Nẵng trở về, thuộc diện F2 đang cách ly tại nhà).

Tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng phương án kỳ thi theo các tình huống diễn biến của dịch. Theo đó, phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các thí sinh khác để có phương án bố trí thi cho từng nhóm thí sinh.

Trong quá trình tổ chức kỳ thi, nếu có thí sinh biểu hiện, ho, sốt, khó thở sẽ được bố trí thi tại phòng thi dự phòng của các điểm thi. Bên cạnh đó, dựa vào nguy cơ, mức độ lây nhiễm, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách giữa các thí sinh trong phòng thi và phải bảo đảm các yêu cầu như khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp… Những cán bộ, giáo viên, bộ phận nhân sự khác có nhiệm vụ trong kỳ thi nếu đi từ vùng dịch về sẽ được thay thế.

Tại Phú Thọ, kỳ thi này Hội đồng thi tỉnh Phú Thọ bố trí 37 điểm thi với 618 phòng thi và 13.853 thí sinh đăng ký dự thi.

Tại mỗi điểm thi, tỉnh bố trí 2 phòng thi dự phòng theo yêu cầu phòng chống COVID-19.

Hiện tại, 37 điểm thi đã có đủ cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện tổ chức thi bảo đảm an toàn theo quy định… Các nhà trường hỗ trợ thi sinh hoàn cảnh khó khăn phương tiện đi lại, chỗ ăn nghỉ để các em yên tâm dự thi.

Thanh Xuân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/cac-tinh-mien-nui-phia-bac-no-luc-cho-mot-ky-thi-an-toan/402946.vgp