Các tỉnh Nam Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

Ngày 18-5, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó đề nghị trung ương xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng lên 70 triệu đồng/ha trở lên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha để thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Bà H’Yim KĐoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính về đất đai khi tổ chức đấu giá tài sản gắn liền với đất, xử lý đối với đất do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng sau đó không đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Báo cáo với Đoàn công tác Trung ương, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định trong những năm qua dù còn nhiều khó khăn song tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Riêng các hoạt động dịch vụ du lịch sôi động với nhiều chương trình, lễ hội, thu hút 3,1 triệu khách tham quan trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 16-5-2023, đạt tổng 5.228 tỷ đồng, bằng 42% dự toán Trung ương, bằng 36% dự toán địa phương và bằng 95% so với cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, đã phân bổ là 7.740,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,1% kế hoạch.

Tình hình thực hiện các công trình trọng điểm có nhiều chuyển biến tích cực với 16 công trình trọng điểm và hướng đến phấn đấu khởi công dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương trong tháng 9-2023.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị liên quan đến các vấn đề đầu tư công, công trình trọng điểm; lĩnh vực đầu tư ngân sách; hoàn thiện và tối giản một số điều lệ, thủ tục về các văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp, Luật đất đai và một số kiến nghị liên quan đến xuất nhập khẩu, thủ thục phòng cháy chữa cháy theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke…

Trong khi đó, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu khó khăn của địa phương khi hơn một phần ba diện tích đang nằm trong quy hoạch bô-xít. Tỉnh Đắk Nông đề xuất tháo gỡ vướng mắc, cho phép các dự án, công trình được đầu tư trên vùng đất có khoáng sản bô-xít phân tán, nhỏ lẻ. Hướng dẫn công tác thăm dò, khai thác mỏ đất, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác bô-xít, đặc biệt là các mỏ phục vụ xây dựng đường cao tốc...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, cùng đoàn công tác chính phủ đã lắng nghe, tổng hợp các báo cáo, kiến nghị từ đại diện lãnh đạo các Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Thay mặt công tác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đánh giá cao những cố gắng và nỗ lực phát triển của 3 tỉnh trên mọi lĩnh vực, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06-10-2022 của Bộ Chính trị, đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo 3 tỉnh Tây Nguyên và khẳng định Đoàn sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và định hướng các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cac-tinh-nam-tay-nguyen-kien-nghi-chinh-phu-thao-go-nhieu-diem-nghen-post690235.html