Các tỉnh Nam Trung Bộ gấp rút chuẩn bị mọi phương án bảo vệ người dân trước mưa lũ

Thời tiết hiện nay ở các các tỉnh Nam Trung Bộ như Phú Yên; Khánh Hòa…diễn biến phức tạp, nguy cơ ngập úng và sạt lở cao. Các địa phương tập trung cao độ ứng phó, đặt mục tiêu bảo vệ an toàn cho người dân lên trên hết.

Ứng phó mưa lũ, đưa người dân đến nơi an toàn

Ghi nhận tại tỉnh Phú Yên, từ ngày 12 đến nay đã có hàng loạt ngôi nhà bị ngập ở huyện Đồng Xuân. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại.Một số tuyến đường liên tỉnh, huyện bị ngập cục bộ như: Đường ĐT641; ĐT642…

Trước tình trạng của mưa lũ, một số khu dân cư ở huyện Đồng Xuân bị ngập. Các lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã di dời hàng trăm gia đình ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Hàng ngàn vật nuôi cũng được đưa đến nơi tránh lũ kịp thời.

Ông Huỳnh Tấn Sĩ (xã Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân, Phú Yên) cho biết, do nắm bắt trước tình hình mưa lũ nên chính quyền địa phương đã có tinh thần chủ động ứng phó cao. Các thông tin về thời tiên nguy hiểm liên tục được thông báo trên các phương tiện phát thanh từ thôn đến xã để hướng dẫn bà con sơ tán, đến nơi trú tránh an toàn.

Mưa lũ gây ngập nhiều nơi ở Phú Yên

Trong mưa lũ ở Đồng Xuân cũng như Tuy An (Phú Yên), người dân còn ở xen-ở ghép giữa nhà bị ngập nơi trũng thấp với hộ dân ở trên cao (không bị ngập). Cùng với đó, phương châm ứng phó theo tinh thần 4 tại chỗ được triển khai một cách nhanh chóng. Các khu vực nguy hiểm, sạt lở, chia cắt, ngập sâu thì có ngay biển cảnh báo cấm người dân lưu thông qua lại để tránh tối đa thiệt hại.

Nhiều căn nhà bị ngập sâu vì mưa lũ ở Phú Yên

Các địa phương bị mưa lũ cũng đã có phương án phối hợp chặt chẽ với các hồ chứa, có cách điều tiết nước hợp lý.

Theo dự báo, mưa lớn ở khu vực Phú Yên có khả năng còn kéo dài đến ngày 16/10. Để ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã lệnh các hồ thủy điện gồm: Sông Ba Hạ, Krông HNăng và Sông Hinh thực hiện quy trình vận hành dần mực nước các hồ về mực nước đón lũ. Cụ thể, mực nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ là: +102,0m; mực nước hồ Krông HNăng: +251,5m và mực nước hồ Sông Hinh: +204,5m.

Các tuyến đường ngập sâu vì mưa lũ ở Phú Yên đều có biển cấm người qua lại

Khi vận hành xả lũ, các chủ hồ chứa phải tuân thủ theo quy định về trình tự đóng mở các cửa van. Bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Phải xem sự an toàn của người dân là quan trọng nhất.

Trực 24/24 để ứng phó mưa lũ

Tại các tỉnh khác ở Nam Trung Bộ như Khánh Hòa; Bình Định…đến chiều 13/10 cũng đã thực hiện đủ các phương an bảo vệ an toàn cho người dân ở các vùng nguy cơ. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong khu vực cũng đã chuẩn bị sẵn các đội cấp cứu cơ động và trực cấp cứu 24/24 để ứng phó với các tình huống mưa lũ.

Nhiều tuyến đường ở Phú Yên bị chia cắt vì mưa lũ

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, từ đêm 13-16/10/2022, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió đông hoạt động mạnh, khu vực tỉnh Bình Định có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200 - 500 mm, có nơi trên 600 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở những vùng trũng thấp.

Để ứng phó, các cơ quan chức năng tỉnh này theo dõi sát sao diễn biến vùng áp thấp, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt...

Ghi nhận đến chiều 13/10, các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện thường xuyên bị ngập, nước chảy xiết ở Phú Yên; Bình Định phải đã bố trí lực lượng trực 24/24 để hướng dẫn người dân đi lại an toàn.

Tại Khánh Hòa, các khu vực nguy cơ người dân cũng đã chủ động phòng, chống mưa lũ

Tại Khánh Hòa, các điểm xung yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở người dân đã chủ động các phương án ứng phó. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở Khánh Hòa cũng phải liên tục theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du. Các địa phương trong tình Khánh Hòa theo dõi sát diễn biến thời tiết, áp thấp nhiệt đới. Sơ tán dân khi có tình huống áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay thủy triều tại khu vực ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đang ở mức cao. Từ ngày 13/10 đến ngày 15/10/2022, khu vực ven biển Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên) sẽ xuất hiện đợt triều cường ở mức cao. Độ cao sóng trên vùng biển Trung Bộ dao động trong khoảng 2-4m. Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-tinh-nam-trung-bo-gap-rut-chuan-bi-moi-phuong-an-bao-ve-nguoi-dan-truoc-mua-lu-169221013153623807.htm