Các tỉnh phía bắc được mùa lúa

Mặc dù vụ mùa năm 2019, diện tích gieo cấy lúa ở các tỉnh phía bắc giảm, nhưng do thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh gây hại ít cho nên năng suất, chất lượng lúa tăng cao, trong khi chi phí đầu vào lại giảm.

Thu hoạch lúa mùa tại xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Thu hoạch lúa mùa tại xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Năng suất tăng cao

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định cho biết, vụ mùa 2019, toàn miền bắc gieo cấy 1.078 nghìn ha (giảm khoảng 27,9 nghìn ha so vụ mùa 2018). Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 499 nghìn ha; vùng Bắc Trung Bộ đạt 158 nghìn ha; các tỉnh trung du, miền núi phía bắc đạt 420,6 nghìn ha. Mặc dù diện tích giảm nhưng năng suất vụ mùa năm nay đạt cao hơn so với vụ mùa năm 2018. Theo đó, năng suất trung bình của các tỉnh phía bắc trong vụ mùa 2019 đạt khoảng 50,7 tạ/ha (tăng 1,1 tạ/ha). Tại vùng đồng bằng sông Hồng đạt 55,5 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với cùng kỳ; vùng Bắc Trung Bộ, năng suất lúa trung bình đạt 48,2 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; vùng trung du, miền núi phía bắc đạt 46,1 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng lúa mùa toàn miền bắc đạt khoảng 5,47 triệu tấn.

Vụ mùa 2019, tỉnh Hà Nam gieo cấy gần 31 nghìn ha lúa. Để bảo đảm cơ cấu giống, tỉnh chỉ đạo, mỗi địa phương bố trí từ ba đến năm giống chủ lực đạt năng suất cao, chất lượng tốt; chống chịu bệnh bạc lá và chống đổ tốt; đồng thời, chất lượng gạo bảo đảm phục vụ chế biến và thị hiếu người tiêu dùng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ, lúa phát triển đồng đều, thời tiết thuận lợi cho nên năng suất lúa mùa đạt khoảng 57,4 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm 2018 là 2,1 tạ/ha. Các huyện có năng suất cao như Duy Tiên đạt 58 tạ/ha, Kim Bảng đạt 67,9 tạ/ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, đây là vụ lúa mùa có năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay. Phấn khởi khi có một vụ lúa mùa bội thu, bà Lê Thị Quý (xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng) cho biết: Sản xuất nông nghiệp vụ mùa 2019 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho nên cây lúa đẻ nhánh khỏe, trổ bông đều, sâu, bệnh gây hại giảm hơn so với các năm trước. Vì vậy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, nông dân rất phấn khởi.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) Lê Thế Nghiệp cho biết, lúa đông xuân năm nay thu hoạch sớm hơn từ ba đến năm ngày so trung bình nhiều năm, vì vậy, vụ mùa 2019 làm đất sớm, thời gian ngả ruộng dài, thuận lợi cho phân giải chất hữu cơ cho nên ít diện tích lúa bị nghẹt rễ; trà mùa sớm, mùa trung gieo cấy và kết thúc sớm hơn; thời tiết cơ bản thuận lợi, cung cấp đủ nước cho làm đất, gieo cấy, giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ mùa năm nay, Hải Dương gieo cấy hơn 57 nghìn ha lúa, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 56,5 tạ/ha, cao hơn 2,84 tạ/ha so với vụ mùa 2018. Trong đó, các huyện có năng suất lúa đạt cao nhất là Kinh Môn 59 tạ/ha, Cẩm Giàng 59 tạ/ha, Ninh Giang 58,5 tạ/ha; sản lượng lúa gần 323 nghìn tấn, tăng hơn 11 nghìn tấn so với vụ mùa 2018.

Mở rộng sản xuất giống lúa chất lượng

Theo Cục Trồng trọt, đạt được kết quả nêu trên, ngoài yếu tố thuận lợi về thời tiết, sâu, bệnh gây hại ít thì trà mùa sớm tiếp tục được mở rộng ở nhiều địa phương bằng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng, năng suất cao, như các giống: Khang Dân 18, HT1, Thơm RVT, N97, N98, TH3-3, Việt Lai 20... Bên cạnh đó, việc sử dụng giống lúa chất lượng có giá trị hàng hóa cao đã được các địa phương quan tâm và tiếp tục mở rộng. Theo đó, toàn vùng đã gieo cấy khoảng 400 nghìn ha lúa chất lượng (tăng khoảng 10 nghìn ha so với năm 2018) chiếm khoảng 37,1% tổng diện tích lúa gieo cấy. Một số tỉnh, thành phố có diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao như: Nam Định khoảng 53 nghìn ha (chiếm 72,1% diện tích), Hải Dương khoảng 40 nghìn ha (chiếm 70%), Hà Nội khoảng 43 nghìn ha (chiếm 51,8%)...

Có thể thấy, để có được kết quả tốt trong sản xuất vụ mùa, các địa phương cần thực hiện tốt cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy, đồng thời áp dụng biện pháp thâm canh lúa tổng hợp, góp phần hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất. Đặc biệt, cần lựa chọn nhóm giống cực ngắn và ngắn cho vụ mùa sớm; tăng tỷ lệ giống lúa chất lượng phù hợp thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, chú ý phát triển các giống có tính chống chịu khá với bạc lá. Đối với những địa phương có điều kiện đặc thù về đất đai, điều kiện thời tiết khí hậu ưu tiên phát triển những giống đặc sản nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng chương trình IPM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), tăng cường áp dụng biện pháp làm mạ khay, máy cấy và các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, điều tiết nước hợp lý; quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tích cực dồn điền, đổi thửa và áp dụng linh hoạt các hình thức cho thuê, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất có quy mô lớn, tạo điều kiện cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng...

Vụ đông xuân 2019-2020, toàn miền bắc dự kiến gieo cấy 1,105 triệu ha, phấn đấu năng suất trung bình đạt 63,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 7,04 triệu tấn, tăng khoảng 15,9 nghìn tấn so với vụ lúa đông xuân 2018-2019.

(Theo số liệu của Cục Trồng trọt)

Bài, ảnh: NGUYÊN PHÚC và ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42082202-cac-tinh-phia-bac-duoc-mua-lua.html