Các tỉnh vùng ĐBSCL và Bình Thuận ký kết chống khai thác hải sản trái phép

Liên quan đến việc khắc phục 'thẻ vàng' đối với hải sản Việt Nam, 7 địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Bình Thuận đã ký kết quy chế phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tàu cá khai thác hải sản trên biển.

7 tỉnh miền Tây và Bình Thuận ký kết chống khai thác hải sản trái phép. Trong ảnh là cảnh chế biến cá ngừ đại dương tại một hội chợ thủy sản, loại sản phẩm xuất khẩu mạnh vào EU. Ảnh: Trung Chánh

Theo đó, 7 địa phương ven biển vùng ĐBSCL, gồm Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Tại hội nghị “Triển khai, ký kết quy chế phối hợp giữa ủy ban nhân dân các tỉnh trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển” được tổ chức tại tỉnh Bến Tre vào hôm nay, 19-9, ông Nguyễn Chí Quang, Phó chỉ huy trưởng- Tham mưu trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết, việc ký kết nêu trên nhằm thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm đối với tàu cá và thuyền viên của địa phương này hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển của địa phương còn lại.

Mục tiêu của việc quản lý nêu trên cũng nhằm ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp để tiến đến gỡ bỏ “thẻ vàng” đang bị Ủy ban châu Âu (EC) của Liên minh châu Âu (EU) áp lên đối với ngành hải sản Việt Nam.

Theo ông Quang, nội dung được 8 địa phương ký kết, bao gồm việc phối hợp trong trao đổi thông tin, thông báo tình hình có liên quan đến việc tàu cá, thuyền viên của địa phương này hoạt động trên vùng biển của địa phương kia.

Ông Quang cho biết thêm, quy chế ký kết cũng để cụ thể hóa việc phối hợp giữa các địa phương trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Luật thủy sản 2017); kiểm tra kiểm soát tàu cá, thuyền viên và phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến tàu cá và ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục kiểm ngư cho biết cả nước hiện có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó, có 28.600 tàu cá xa bờ với sản lượng khai thác năm 2017 đạt 3,2 triệu tấn, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành.

Tuy nhiên, theo ông Huy, việc phát triển nhanh số lượng tàu cá so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản đã dẫn đến tiêu cực, mà cụ thể là đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân khiến EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Theo ông Huy, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 95 vụ với 156 tàu cá bị các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Brunei bắt giữ, xử lý.

Riêng 8 địa phương thực hiện ký kết, ông Huy cho biết, thì tỉnh Bình Thuận vi phạm 5 vụ với 7 tàu; Tiền Giang 3 vụ với 4 tàu; Bến Tre 8 vụ với 16 tàu; Bạc Liêu 3 vụ với 3 tàu; Kiên Giang 30 vụ với 54 tàu; Cà Mau 11 vụ với 12 tàu. “Còn Trà Vinh và Sóc Trăng chưa phát hiện vụ việc vi phạm nào”, ông cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Huy, việc ký kết quy chế phối hợp giữa các địa phương như nêu trên là hành động cụ thể nhằm khắc phục theo những khuyến nghị được EC đưa ra để tiến đến tháo gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ra yêu cầu các địa phương hoàn thành việc thu hồi tất cả các thiết bị Movimar, thiết bị định vị vệ tinh, đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24 mét để chuyển sang lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên.

Đối với những địa phương có phương tiện đánh bắt xa bờ, sau khi thực hiện việc thu hồi và lắp đặt thiết bị Movimar như nêu trên, mà trường hợp còn dư sẽ chuyển giao cho Cục kiểm ngư để cấp cho những địa phương có phương tiện từ 24 mét trở lên, nhưng chưa được lắp đặt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo thực hiện việc lắp đặt thiết bị như trên phải được hoàn thành trước tháng 10-2018.

Dự kiến, tháng 1-2019 tới, phía EC sẽ tái kiểm tra việc khắc phục của Việt Nam để ra quyết định có cấp “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam hay không.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278839/cac-tinh-vung-dbscl-va-binh-thuan-ky-ket-chong-khai-thac-hai-san-trai-phep.html