Các tổ chức quần chúng trong BĐBP góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Vừa qua, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được công bố rộng rãi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó, có các tổ chức quần chúng trong BĐBP. Từ ngày 7-11, các tổ chức quần chúng thuộc BĐBP các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP đã tiến hành nghiên cứu, thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào những điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với hơn 3.000 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp tại các hội nghị.

Banner, áp phích tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn

Banner, áp phích tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn

Hầu hết các ý kiến đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các cán bộ, đoàn viên, hội viên đã phát huy tốt dân chủ, đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận sôi nổi, góp ý toàn diện vào các nội dung; phân tích, làm rõ những vấn đề mới trong dự thảo báo cáo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thông qua thảo luận, bước đầu, cán bộ, đoàn viên, hội viên đã nhận thức đúng những quan điểm, đường lối, chủ trương mới trong các văn kiện, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng.

Các ý kiến đều nhất trí khẳng định: Những điểm mới trong dự thảo báo cáo của Trung ương trình bày khoa học, kết cấu logic, chặt chẽ; nội dung dễ hiểu, thể hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đầy đủ, ngắn gọn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua. Một số ý kiến có sự đầu tư, nghiên cứu sâu, phân tích, lập luận chặt chẽ, thể hiện rõ chính kiến đối với các vấn đề quan tâm.

Tiêu biểu như, góp ý về Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các tổ chức quần chúng BĐBP đều tán thành với chủ đề đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên bỏ cụm từ “khát vọng” sau từ “ý chí” để tránh trùng lặp.

Bên cạnh đó, trong đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nguyên nhân và kinh nghiệm có bổ sung đánh giá: “Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp tục tăng; du lịch phát triển nhanh; nông nghiệp chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân; phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng”. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với nội dung bổ sung này.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nội dung bổ sung “...chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân” nên điều chỉnh thành “...chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống xã hội” vì không chỉ người nông dân được thụ hưởng kết quả của xây dựng nông thôn mới mà toàn xã hội đều được thụ hưởng.

Đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hầu hết các ý kiến đều tán thành với nội dung nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, phần “Trong tình hình đất nước”: Đối với dự báo, “... từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài”, có ý kiến đề nghị thay đổi từ “cú sốc” thành từ “tác động”. Tại quan điểm thứ 4: “Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài”, cũng có ý kiến đề nghị thay đổi từ “cú sốc” thành từ “tác động”.

Đóng góp vào Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, hầu hết các ý kiến tham gia thảo luận đều thống nhất cao với nội dung bổ sung vào dự thảo văn kiện.

Tuy nhiên, có ý kiến điều chỉnh nội dung 3: Phát triển các vùng và khu kinh tế: “Khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa và điều kiện thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng... Chống ngập úng ở thành phố Hồ Chí Minh”, đề nghị sửa lại là: “Khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa và điều kiện thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng... Chống ngập úng ở thành phố Hồ Chí Minh và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long” vì theo kịch bản biến đổi khí hậu thì triều cường ngày càng dâng cao, không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh mà các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu ảnh hưởng bởi ngập úng và xâm nhập mặn.

Các cán bộ, hội viên, đoàn viên các tổ chức quần chúng BĐBP cũng nhất trí cao với nội dung Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Tuy nhiên, có ý kiến bổ sung thêm nội dung tại trang 11, mục 2.6: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài và cơ chế đánh giá cán bộ”. Cụ thể, bổ sung cụm từ “đảm bảo tính khách quan, toàn diện” vào sau cụm từ “cơ chế đánh giá cán bộ”.

Thùy Trang (lược ghi)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cac-to-chuc-quan-chung-trong-bdbp-gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-post435347.html