Các tổ chức tôn giáo chung tay góp phần chiến thắng đại dịch

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều nay (29/5), thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết: Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, các tổ chức tôn giáo ở nước ta và đồng bào có đạo ở cả trong nước và nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể, góp phần vào chiến thắng dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận chiều ngày 29/5.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận chiều ngày 29/5.

Với mục tiêu chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là trên hết, trước hết; không ai bị bỏ lại phía sau; chiến lược vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, cả nước đã đoàn kết, đồng lòng, tập trung tất cả nguồn lực chống dịch. Trong đó, ngoài nguồn lực giá trị vật chất có thể cân, đong, đo, đếm thì nguồn lực phi vật chất, nguồn lực tinh thần, lòng yêu nước, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam là sức mạnh vô địch và là nguồn lực vô tận.

“Đúng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định: "Đóng góp của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng to lớn, không thể cân, đo, đong, đếm. Đó còn là tình nghĩa đồng bào, là ý thức trách nhiệm, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được ghi nhận, biểu dương, tôn vinh" - Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.

Hưởng ứng tinh thần đó, Tăng ni, đồng bào Phật tử, các chùa, cơ sở tự viện đã thực hiện rất nghiêm các quy định, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi sự đồng thuận xã hội trong thực hiện giãn cách ngay sau khi có chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Các chùa tạm dừng tất cả sinh hoạt tập trung đông người, dừng tổ chức các lễ hội, các khóa lễ, khóa tu; kêu gọi và động viên Tăng ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19; mua sắm trang thiết bị y tế ủng hộ cho các cơ sở y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, máy thở, bình ô xy, phòng áp lực âm, xe cứu thương, thuốc cho bệnh nhân…và hàng trăm tấn lương thực gạo, thực phẩm rau quả.

Nhiều Tăng ni, Phật tử đã xung phong “Cởi áo Cà sa, tham gia chống dịch” tình nguyện vào tuyến đầu, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, như: Bệnh viện số 10 thành phố Thủ Đức; Bệnh viện số 13 của Bệnh viện Việt Đức tại huyện Bình Chánh; Bệnh viện số 16 của Bệnh viện Bạch Mai tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An; các khu thu dung, bệnh viện tại Bình Dương và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham gia thực hiện Chương trình cứu trợ nhân đạo quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, gồm: lương thực, thực phẩm thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế. Qua đó nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

“Có thể nói, những đóng góp cả về vật chất và tinh thần của các tôn giáo là nguồn lực đáng kể thể hiện tinh thần sống tốt đời đẹp đạo, truyền thống nhập thế, đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử” - Thượng tọa Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định.

Đóng góp vào chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị, cần phải hoàn thiện cơ chế, pháp luật về việc huy động sức dân tham gia chống dịch và phòng, chống thiên tai trong trường hợp khẩn cấp. Nguồn lực huy động phòng, chống dịch bệnh, thiên tai cần tập trung từ khâu tiếp nhận đến khâu phân bổ. Đồng thời, cần tập trung nâng cao năng lực cả về cơ sở vật chất và chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở để đảm bảo ứng phó kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả khi có dịch bệnh.

Tin, ảnh: Mai Hồng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206215/cac-to-chuc-ton-giao-chung-tay-gop-phan-chien-thang-dai-dich