Các trường đại học, cao đẳng cùng chung tay, góp sức

Một trong những điều chỉnh kỹ thuật của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là tăng cường vai trò của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong tổ chức thi. nhờ vậy, quá trình tổ chức thi đã có sự phối hợp tích cực giữa các địa phương và trường ĐH, CĐ, góp phần bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Đại diện Trường đại học Ngoại thương trao bút chì hỗ trợ thí sinh làm bài thi trắc nghiệm tại tỉnh Thái Bình.Ảnh: PHƯƠNG HÀ

Tích cực phối kết hợp

Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019, để bảo đảm nghiêm túc, công bằng; kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận, trong kỳ thi 2019 thực hiện một số điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật ở tất cả các khâu. Đối với các trường ĐH, CĐ sẽ tăng cường vai trò với quan điểm đây là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của trường đối với hệ thống giáo dục và đào tạo, đồng thời cũng là phục vụ trực tiếp quyền lợi của trường thông qua công tác tuyển sinh. Theo đó, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc, trường ĐH, CĐ thuộc địa phương nào thì không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương đó. Chỉ có những trường ĐH trực thuộc bộ, ngành Trung ương thì có thể coi thi tại địa phương trường có trụ sở. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ được tăng cường và quy định cụ thể hơn. Cả nước có 216 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tham gia phối hợp tổ chức thi. Tùy thuộc vào số lượng thí sinh, số điểm thi, có những địa phương như Hà Nội có 13 cơ sở giáo dục ĐH phối hợp, nhưng cũng có địa phương như tỉnh Điện Biên chỉ có một cơ sở giáo dục ĐH phối hợp tổ chức.

Quá trình triển khai, các trường ĐH đã chủ động phối hợp tốt với các địa phương. Theo TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội (một trong hai cơ sở giáo dục ĐH phối hợp tổ chức thi tại tỉnh Yên Bái) cho biết, đã huy động 318 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức tại 26 điểm thi trong tổng số 25 điểm thi của tỉnh Yên Bái. Đáng chú ý, quá trình tổ chức Trường ĐH Mở Hà Nội đã chủ động đến Yên Bái sớm hơn một ngày theo quy định để tiếp nhận các vị trí điểm thi, tiếp nhận đề, khu vực phòng chứa đề thi, bài thi… Ngoài các chế độ, chính sách đi coi thi theo quy định, ở những nơi khó khăn, Trường ĐH Mở Hà Nội đã trích nguồn tiền của mình để tăng hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác thi. Năm 2019, chưa có con số cụ thể nhưng dự kiến tương đương năm 2018 với kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 400 triệu đồng. “Địa phương cũng phối hợp tích cực, nỗ lực bố trí các điều kiện tốt nhất theo năng lực để cán bộ, giảng viên trường đại học thực hiện nhiệm vụ” - TS Trương Tiến Tùng chia sẻ.

PGS, TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: Ngay khi nhận được phân công tham gia phối hợp tổ chức thi, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức quán triệt tới các cơ sở giáo dục ĐH thành viên và các đơn vị trực thuộc, tập trung nguồn lực tốt nhất cho công tác phối hợp thi THPT quốc gia. Cụ thể, ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên cử 1.237 cán bộ tham gia coi thi, chấm thi tại bốn cụm: số 33 tại TP Đà Nẵng, số 34 tại Quảng Nam, số 35 tại Quảng Ngãi, số 37 tại Phú Yên. Các cán bộ làm công tác thi đều được tập huấn quy trình, quy chế thi kỹ lưỡng cho nên phối hợp khá hiệu quả. Ông Trịnh Đình Vinh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Sơn La cho biết, tham gia công tác thi tại Sơn La có sáu trường ĐH, CĐ, với 559 cán bộ, giáo viên làm công tác thi. Trong số này, nhiều thầy, cô giáo lần đầu lên Sơn La cho nên việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đoàn công tác của các trường đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất của địa phương.

Nhiều cách làm hay

Không chỉ tích cực, chủ động trong phối kết hợp tổ chức thi, quá trình công tác tại các địa phương, nhiều trường ĐH đã thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ thí sinh, hỗ trợ giáo dục địa phương hiệu quả. Năm 2019, với 12 điểm thi tại tỉnh Thái Bình và 7 điểm thi tại tỉnh Trà Vinh, Trường ĐH Ngoại thương đã cử hơn 500 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi. Qua những năm phối hợp tổ chức thi, cán bộ, giảng viên nhà trường nhận thấy, với thi trắc nghiệm, chiếc bút chì để tô đáp án trở thành một vật dụng quan trọng với các thí sinh. Vì vậy, để giúp các thí sinh khắc phục những tình huống không may liên quan bút chì ảnh hưởng đến thời gian làm bài, năm 2019, tại tỉnh Thái Bình, Trường ĐH Ngoại thương đã mang theo 4.500 chiếc bút chì 2B để trao tặng, hỗ trợ thí sinh dự thi. Cô Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường THPT Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, làm nhiệm vụ cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết, đây là lần đầu tiên một trường đại học về hỗ trợ kỳ thi THPT quốc gia. “Khi tôi coi buổi thi bài Khoa học tự nhiên, có em mang theo bút chì kim đầu cứng, thấy vậy đã hỗ trợ em bút chì 2B do Trường ĐH Ngoại thương chuẩn bị, giúp cho thí sinh tô đáp án hiệu quả, không bị rách, hay sai lệch”. Thí sinh Vũ Thị Ngoan lại bày tỏ ấn tượng cho biết, những chiếc bút chì tuy giá trị về mặt vật chất không nhiều nhưng lại là động lực tinh thần tiếp thêm niềm tin và sự may mắn cho các thí sinh hoàn thành tốt các bài thi trắc nghiệm của mình. Thí sinh Dương Minh Tâm, học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình chia sẻ: “Thời gian dự thi, chúng em rất căng thẳng và áp lực, nhưng có những lúc phòng bị chiếu nắng đã được các thầy giáo, cô giáo coi thi tìm cách kê bàn cho phù hợp để chúng em không bị nắng chiếu khi làm bài. Bên cạnh đó, việc được tặng bút chì để giúp làm bài thi thuận lợi đã để lại những ấn tượng khó quên với chúng em”.

Đáng chú ý, theo TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Thủy lợi, quá trình làm nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại Trường THPT Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), sáu cán bộ, giảng viên của trường nhận thấy đây là trường có nhiều khó khăn cả về địa lý và điều kiện sống. Vì vậy, các cán bộ, giảng viên đã quyết định trích kinh phí từ nguồn công tác phí của mình để ủng hộ Trường THPT Tả Sìn Thàng số tiền năm triệu đồng. Đây là số tiền không lớn nhưng là một nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Thủy lợi trong quá trình phối hợp làm công tác thi.

Theo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, kỳ thi năm 2019, sự phối hợp nhịp nhàng, ngày càng hiệu quả giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường ĐH, CĐ đã góp phần bảo đảm tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Mặt khác, sự phối hợp hiệu quả đã tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh…

MẠNH XUÂN và ĐÀO TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/40680202-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-cung-chung-tay-gop-suc.html