Các tướng công an nói gì khi tín dụng đen nở rộ?

Trước nghi vấn có chuyện công an bảo kê cho tín dụng đen hay không, một lãnh đạo công an tỉnh nói có dư luận như vậy. Theo ông, để chứng minh ở thời điểm hiện nay là 'khó khăn'.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an - từng nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội vào hồi tháng 10/2018 về việc đấu tranh chống tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Ông Lâm nói đây là quan hệ dân sự, đằng sau tín dụng đen thường là hoạt động của tổ chức tội phạm. Bộ sẽ mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá, tổ chức các băng nhóm, các đường dây hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật.

'Nhân viên tín dụng đen vi phạm quy định công ty phải tự chặt tay' "Nhân viên vi phạm quy định công ty phải tự chặt tay hoặc hủy hoại gia đình của mình", thượng tá Tô Cao Lanh, chia sẻ về nội quy của một nhóm hoạt động tín dụng đen ở Thanh Hóa.

Tình trạng đòi nợ kiểu xã hội đen đang gây hoang mang trong dư luận. Ảnh: T.V.

Tình trạng đòi nợ kiểu xã hội đen đang gây hoang mang trong dư luận. Ảnh: T.V.

Xóa sổ băng nhóm tín dụng đen lớn nhất nước

Vài tháng gần đây, hàng loạt các tỉnh thành trên cả nước như Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa… triệt xóa các tụ điểm cho vay nặng lãi. Trong đó phải kể đến kẻ cầm đầu cầm đầu tổ chức tín dụng đen Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM).

Thành bàn bạc với Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) mở công ty chung để hoạt động tín dụng đen, lấy tên là Công ty Nam Long. Công ty này sử dụng cách đe dọa bạo lực, thậm chí sẵn sàng sử dụng bạo lực để gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ diễn ra phổ biến.

Công ty Tài chính Nam Long có đội ngũ cầm đầu là những thanh niên tốt nghiệp đại học các ngành Luật, Kinh tế, tài chính ngân hàng nên hoạt động rất chuyên nghiệp, bài bản.

Thời điểm bị phát hiện, tổ chức này đã có 26 chi nhánh trên cả nước, ở 63 tỉnh thành. Mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh do một người quản lý.

Trong số các nhân viên của Nam Long, Nguyễn Văn Minh (19 tuổi, quê Bắc Giang) làm việc cho chi nhánh ở tỉnh Bắc Kạn, có nhiệm vụ thu hồi nợ.

Tổ chức này đã lừa hàng trăm khách hàng ký vào những bản hợp đồng vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Thống kê sơ bộ 23/70 tài khoản ngân hàng Công ty Nam Long cho thấy số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng.

Và đường dây cho vay nặng lãi này chỉ bị phá khi Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận Minh trong tình trạng bị đa chấn thương, sức khỏe nguy kịch. Trong khi đó, người đưa đi cấp cứu đã bỏ chạy.

Công an xác định, trước khi tử vong, Minh có thu tiền của khách nhưng không nộp về cho chi nhánh. Minh còn cầm cố 1 chiếc xe máy lấy 20 triệu đồng tiêu xài rồi bỏ trốn.

Sau đó, Nguyễn Đức Thành đã chỉ đạo đàn em đến nhà Minh để đòi tiền. Nhóm này yêu cầu Minh đi xin lỗi những người trong công ty, xin chữ ký từng người cho ở lại hoặc đưa ra pháp luật. Họ đưa ra một bát cơm và một bát chất thải bẩn, bắt Minh chọn 10 lần. Mỗi lần nếu nạn nhân bò đến bát cơm thì bị hành hạ, đánh đập.

Ngày 10/7, Minh được đưa về Thanh Hóa. Do bị đánh quá nhiều, nạn nhân bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu và tử vong sau đó.

Công an xác định, Công ty Nam Long đã xây dựng, ban hành các quy định để quản lý. Các quy định rất khắt khe, mang tính khống chế, đe dọa bằng các hình phạt tiêu cực như: Nếu phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng; Chặt ngón tay; Hủy hoại bản thân và gia đình; "Đánh đòn sa thải"; "Phạt cải tạo trong công ty; "Cho đi tù - Quốc pháp"…

"Có thể do công an chưa thực sự quyết liệt"

Trước thực trạng tín dụng đen nở rộ, không chỉ tại phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra hồi tháng 10/2018, tại các kỳ họp HĐND ở tỉnh Thanh Hóa hay TP.HCM diễn ra cuối 2018, vấn đề này cũng được các đại biểu đặt ra câu hỏi.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng hệ quả từ việc cho vay lãi suất sai quy định là rất lớn. Ảnh: Lê Quân.

"Hoạt động tín dụng đen đã diễn ra trong một thời gian dài. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân. Vậy nguyên nhân nào mà ngành công an chịu trách nhiệm?", đại biểu Lê Thị Hương (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đặt câu hỏi.

Thiếu tướng thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trả lời, có nhiều nguyên nhân phát sinh tội phạm này. Để giải quyết thì cần có sự vào cuộc của nhiều lực lượng. "Về trách nhiệm của ngành công an khi để loại tội phạm này phát triển như bây giờ thì có thể do công an chưa thực sự quyết liệt", tướng Trung thừa nhận.

Đại biểu Cầm Bá Chái nêu vấn đề, hoạt động tín dụng đen diễn ra từ lâu và hiện nay lan rộng ra nhiều địa phương. Song, việc đấu tranh, phòng chống, phát hiện tội phạm này còn rất hạn chế. Chỉ khi nào có tranh chấp, có vụ án xảy ra thì công an mới vào cuộc điều tra. Trong khi đó, lực lượng ngành công an không hề ít.

Trước nghi vấn có chuyện công an bảo kê hay không, tướng Trung thừa nhận có dư luận như vậy. Song theo ông, để chứng minh ở thời điểm hiện nay là "khó khăn". Tuy nhiên, ông Trung hứa trong thời gian tới sẽ cố gắng siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ngành.

Theo tướng Trung, phương thức của các tổ chức tội phạm này hết sức tinh vi, thủ đoạn tàn bạo. Đứng sau các tổ chức này là những người có tiền án, tiền sự. Ông Trung cho hay có nhiều nguyên dân dẫn đến việc người dân “mắc bẫy” tín dụng đen.

Cụ thể, một bộ phận người dân do không biết được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hình thức vay tín dụng trái pháp luật; Do những khó khăn trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp và cá nhân, các ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay...

Nói về việc khó kiểm soát tín dụng đen, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng đến năm 2018 có luật hình sự mới, quy định lãi suất khoảng 8,33% mỗi tháng bị xem là có vi phạm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì hình phạt là cải tạo không giam giữ.

“Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là ba năm tù nhưng không được tạm giam. Đây là chỗ mà quận Tân Phú vướng mắc trong việc xử lý các đối tượng trên địa bàn", ông Minh nói.

“Công an TP nhận thức được việc đấu tranh với loại hình tội phạm này là rất cần thiết, nhưng tội cho vay lãi nặng lại nằm trong nhóm vi phạm về tài chính và ngân hàng nên rất khó cho công an hình sự. Hiện nay, trong toàn bộ hệ thống luật hành chính, không có quy định xử phạt về cho vay vượt lãi suất quy định. Trước đây chúng ta vẫn thường quy định đây là tranh chấp dân sự", ông Minh nói.

"Vướng mắc tiếp theo là luật chỉ xử phạt vi phạm vượt lãi suất đối với các tổ chức tín dụng do NHNN cấp phép chứ không xử phạt cá nhân nên vẫn lúng túng trong xử lý", tướng Minh nhấn mạnh.

Hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội.

Chia sẻ với Zing.vn, thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh còn rất phức tạp, khó xử lý hết.

"Tín dụng đen là vấn đề rất phức tạp, nó liên quan đến phường, hụi, đặc biệt là vay lãi kinh doanh, tín chấp, các dịch vụ cầm đồ nên rất dễ biến tướng. Việc tín dụng đen hoạt động sẽ kéo theo nhiều loại tội phạm liên quan đến các hành vi Cố ý gây thương tích, Cưỡng đoạt tài sản, Hủy hoại tài sản…", thượng tá Phượng nói.

Theo ông Phượng, bản chất các hành vi cho vay nặng lãi liên quan đến hành vi dân sự giữa cá nhân với cá nhân nên khó xác định đâu là tội phạm dân sự, đâu là hình sự. Những kẻ cầm đầu hoạt động tín dụng đen hay công ty tài chính, cầm đồ trên địa bàn là những cá nhân từng có tiền án, tiền sự hoặc nhân thân xấu nên việc điều tra gặp khó khăn.

“Họ cho vay tín chấp nhưng không ghi rõ lãi suất trong hợp đồng hay giấy nợ cho vay nên để xác định mức vay quá bao nhiêu lần, có vượt quá 100%/ năm như quy định hay không là rất khó khăn. Việc tín dụng đen phát triển một phần liên quan đến lợi ích người vay và người cho vay để giải quyết nhu cầu có thật của họ”, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Công an Nghệ An thắng thẳn nói.

Từng đề cập đến vấn đề hoạt động tín dụng đen, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an chỉ ra 3 vấn đề chính của việc nở rộ hoạt động tín dụng đen.

Thứ nhất, ông cho rằng kinh tế trong nước còn có nhiều khó khăn, do đó nhiều cá nhân, công ty, tổ chức khó khăn về vốn nên đã vay vốn tín dụng đen, vay nặng lãi.

Thứ hai, một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cá độ, cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi của bản thân. Khi cần cho mục đích ăn chơi thì bất kể mức lãi suất nào họ cũng vay cả.

Nguyên nhân thứ ba được Bộ trưởng Công an chỉ ra là các chế tài xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ với Zing.vn hôm 4/1 tại buổi họp báo tổng kết năm của ngành, thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết các đường dây cho vay nặng lãi hiện nay không chỉ đóng khung trong biên giới mà liên quan cả bên ngoài. Bộ Công an đang mở các chuyên án đấu tranh với tội phạm này.

Còn thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an khẳng định: “Hoạt động tín dụng đen gần đây hoạt động hết sức phức tạp, len lỏi từ nông thôn đến vùng cao, đồng bào dân tộc. Nguy hiểm là tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở dịch vụ cầm đồ, công ty đòi nợ thuê, kinh doanh tài chính”.

Để chào mời người vay, một số nhóm tín dụng đen sử dụng mạng xã hội, ứng dụng di động lôi kéo khách hàng, sau đó cho vay trực tuyến.

Nhiều người tuy không thuộc đường dây này nhưng do hám lợi nên mượn tiền của người thân, các nhóm tín dụng đen để cho vay nhằm hưởng lãi suất chênh lệch. Khi con nợ mất khả năng chi trả hoặc bỏ trốn, người trung gian bị các nhóm tín dụng đen siết nợ.

* Kỳ 4: Hoạt động tín dụng đen có được bảo kê, tiếp tay?

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cac-tuong-cong-an-noi-gi-khi-tin-dung-den-no-ro-post907291.html