Các vấn đề pháp lý liên quan đến thừa kế

Thừa kế là việc người còn sống thụ hưởng tài sản của người chết để lại. Theo quy định pháp luật, có 2 loại thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tuyên truyền pháp luật về thừa kế cho cán bộ Mặt trận cơ sở và người dân ở H.Tân Phú. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tuyên truyền pháp luật về thừa kế cho cán bộ Mặt trận cơ sở và người dân ở H.Tân Phú. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, tại các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Hội Luật gia tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức, vấn đề về thừa kế được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hiểu đúng, chính xác các quy định pháp luật về thừa kế.

* Một người có thể được hưởng di sản của nhiều người

Tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Hội Luật gia tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức, một số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tỏ ra bất ngờ khi nghe luật sư Nguyễn Đức trình bày, theo quy định của pháp luật một người có thể hưởng thừa kế di sản của nhiều người. Chẳng hạn, con được hưởng di sản của cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, cha mẹ kế; thừa kế thế vị di sản của ông bà. Bởi vì, bấy lâu nay bà con vốn quen và ứng xử theo phong tục, quan niệm chỉ có con trai đầu hoặc con trai út ở cùng với cha mẹ thì mới được quyền hưởng di sản, tài sản của cha mẹ. Còn con trai thứ, con gái thì không có quyền này.

“Đó là quan niệm sai lầm, trái với quy định của pháp luật. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết” - luật sư Nguyễn Đức cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Đức, thừa kế theo di chúc là khi cá nhân có lập di chúc thể hiện ý chí chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

“Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau: người chết không để lại di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản” - luật sư Nguyễn Đức nói.

* Di chúc hợp pháp

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Theo luật sư Nguyễn Đức, di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

“Việc cha mẹ già yếu lập di chúc để lại tài sản cho con cái khi qua đời nhằm phòng tránh việc con cái tranh giành nhau tài sản, phân chia trái di nguyện của cha mẹ hoặc dẫn nhau ra tòa... là việc làm tiến bộ, văn minh. Điều này không trái đạo đức xã hội, phong tục tập quán, pháp luật mà còn giúp cho các thành viên trong gia đình đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm và thể hiện đạo hiếu với người đã khuất” - luật sư Nguyễn Đức nói.

“Vậy nếu lập di chúc cho con tài sản rồi mà các con không hiếu thảo chăm lo cho cha mẹ trong lúc cha mẹ bị bệnh tật, không làm ra tiền để tự nuôi bản thân thì tính sao?” - ông Thạch Bình (ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) thắc mắc.

Luật sư Nguyễn Đức giải thích, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, tức là người để lại tài sản đã chết thì người được hưởng di sản theo di chúc mới có quyền định đoạt, sở hữu, sử dụng về tài sản này hợp pháp. Đồng thời, pháp luật quy định, người lập di chúc có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Do đó, nếu người được thừa kế không thực hiện đúng nghĩa vụ như: chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tài sản hoặc cha mẹ không muốn tặng cho tài sản cho người con này nữa thì có quyền truất quyền thừa kế của người con này và lập di chúc khác.

Đồng thời, pháp luật cũng quy định, người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì không được quyền hưởng di sản.

“Di chúc hợp pháp sau cùng mới có hiệu lực và những di chúc được lập trước đó dù hợp pháp vẫn vô hiệu. Pháp luật quy định như vậy nhằm phòng tránh việc cha mẹ lập di chúc để lại tài sản cho con cái nhưng trong thời gian cha mẹ còn sống con cái không chăm lo, bất hiếu, muốn chiếm đoạt tài sản của cha mẹ khi chết cho riêng mình mà quên đi phần nghĩa vụ phải thực hiện” - luật sư Nguyễn Đức cho hay.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202009/cac-van-de-phap-ly-lien-quan-den-thua-ke-3022936/