Các vụ cháy rừng ở Australia đã gây ra hậu quả tồi tệ như thế nào?

Các vụ cháy rừng kéo dài tại Australia đã thiêu rụi 8 triệu hectare, tương đương diện tích của Áo hoặc bằng một nửa nước Anh.

Ảnh: English News

Theo thống kê của Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng, các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Australia năm nay đã gây ra những hậu quả như sau:

Thiêu rụi 8 triệu hectare, tương đương diện tích của Áo hoặc bằng một nửa nước Anh.

Làm chết 24 người và phá hủy 1.700 ngôi nhà, trong đó một số thành phố đã bị phá hủy nghiêm trọng

Làm chết hơn 1 triệu động vật tại một trong những hệ sinh thái độc đáo nhất trên thế giới, bao gồm 8.000 con gấu koala và khoảng 100.000 gia súc

Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, khói bụi đã gây chết người và động vật thậm chí ở các khu vực cách xa các đám cháy. Khẩu trang chống bụi mịn và máy lọc không khí cháy hàng ở các khu vực bị ảnh hưởng, và tro bụi bay như tuyết rơi tại trung tâm các thành phố lớn của Australia, thậm chí bay đến tận Argentina.

Các cộng đồng người bản địa trên khắp khu vực đông nam Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề do bị mất đất và hệ sinh thái, họ cũng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và chăm sóc y tế, mất nhà cửa và các tài sản của cộng đồng.

Các vụ cháy rừng đã phát thải ra 349 triệu tấn CO2 trong khi đó phát thải của Australia cả năm 2018 là 532 triệu tấn CO2.

Sẽ cần thời gian để đánh giá hết những thiệt hại mà Australia phải gánh chịu từ những vụ cháy rừng, tuy nhiên theo những ước tính ban đầu thì nước này thiệt hại ít nhất 3 tỷ Đô la Australia.

Có rất nhiều câu chuyện về lòng can đảm, sự sợ hãi và tình người trong hỏa hoạn.

Sau các vụ cháy, nhiều cư dân ở các thành phố đã trở nên giận giữ vì cho rằng họ bị chính quyền bỏ rơi-tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực và nước diễn ra ở nhiều nơi. Thậm chí các cuộc di tản do Hải quân Australia thực hiện cũng không nhận di chuyển trẻ em dưới 5 tuổi. Những đứa trẻ lớn hơn thì được đưa lên các tàu mà không có cha mẹ đi cùng vì họ còn lo bảo vệ nhà cửa.

Công việc cứu hỏa ở Australia chủ yếu do những người tình nguyện thực hiện-và họ bị cắt giảm ngân sách. Những cảnh báo về sự nguy hiểm của các vụ cháy rừng lần này và yêu cầu đầu tư thêm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như bom cứu hỏa, đã bị chính quyền liên bang lờ đi.

Trước mắt thảm họa này sẽ chưa kết thúc-các lực lượng ứng phó khẩn cấp đã thừa nhận rằng họ không thể khống chế được các đám cháy, trừ khi có mưa. Australia đang ở giữa của một thời kỳ hạn hán nghiêm trọng chưa từng có và thậm chí một trong những đám cháy rừng đã làm cháy một vỉa than trong lòng đất và lửa từ đó tiếp tục lan ra các khu vực xung quanh. Mùa cháy rừng ở Australia thường kết thúc vào tháng Ba, tuy nhiên năm nay các đám cháy có thể diễn ra cho đến tháng Năm và lại bắt đầu trở lại vào tháng Mười hoặc tháng Mười Một. Mùa cháy này bắt đầu từ tháng Tám năm ngoái.

Chính phủ Australia đã cam kết sử dụng quân dự bị để hỗ trợ các nhóm tình nguyện và một số lực lượng giúp phục hồi sau thảm họa đã được thành lập ở cấp bang và liên bang (2 tỷ Đô la Australia sẽ được chi cho việc này). 20 triệu Đô la Australia cũng sẽ được chi cho việc chữa cháy bằng máy bay.

Việc gây quỹ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng đã được thực hiện rất tốt. Diễn viên hài Celeste Barber chuẩn bị gây quỹ được 33 triệu Đô la Australia. Nhiều nhạc sỹ cũng tổ chức các đêm nhạc gây quỹ, các ngôi sao tennis như Ash Barty và Nick Kyrgios cũng quyên góp bằng tiền thưởng của họ. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác, như diễn viên Cate Blanchett và Russell Crowe, đã bày tỏ sự quan ngại về các vụ cháy rừng.

Chính quyền liên bang Australia đang chịu sức ép phải thúc đẩy các kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Scott Morrison cuối cùng đã phải thừa nhận mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thảm họa cháy rừng.

Chính phủ Australia không mặn mà với các cuộc đàm phán tại COP25 ở Madrid, Tây Ban Nha cuối năm ngoái. Gần đây họ cũng từ chối xem xét tăng cường cam kết chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên sự bất mãn về việc Australia không hành động chống biến đổi khí hậu đang tang lên. Đa số người dân, doanh nghiệp và các thị trưởng ở Australia muốn thực hiện thêm các hành động chống biến đổi khí hậu. Mỗi bang và lãnh thổ ở Australia đều đưa ra kế hoạch loại bỏ phát thải nhưng chính quyền liên bang thì vẫn chưa hành động, bất chấp những thiệt hại từ những tác động của biến đổi khí hậu.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/cac-vu-chay-rung-o-australia-da-gay-ra-hau-qua-toi-te-nhu-the-nao-3532285.html