Các vụ đại án tham nhũng rất khó thi hành án

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Lực - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp.

Ông Lực cho hay : “Tất cả đại án ngay trong quá trình xét xử, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương bám sát theo dõi diễn biến và chuẩn bị xây dựng kế hoạch về nguồn lực, nhân lực để tiếp nhận bản án, tiếp nhận nguồn tài liệu có liên quan, các tang vật do cơ quan tòa án, điều tra bàn giao. Từ đó chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể thi hành án khi bản án có hiệu lực”.

Việc thu hồi tài sản những vụ đại án tham nhũng rất khó khăn.

Thông tin thêm về kết quả cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay, ông Đinh La Thăng phải nộp tiền án phí 1,433 tỷ đồng. Số tiền mà ông Thăng và 5 người khác phải bồi thường cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trên 820 tỷ đồng. Đến nay đã thu hồi được 521 triệu đồng tiền án phí, 20 tỷ tiền bồi thường. Như vậy số tiền còn phải thi hành là 912 triệu đồng tiền án phí và trên 800 tỷ đồng.

Trong đại án Oceanbank, các bị cáo phải trả cho ngân hàng Oceanbank và các cá nhân khác là hơn 84 tỷ. Bản án cũng buộc Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu… phải bồi thường cho ngân hàng Đại Dương gần 1.850 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 10, cơ quan chức năng thu được hơn 100 tỷ đồng, chưa tính 5 bất động sản và cổ phiếu đã kê biên.

Hay vụ án Tập đoàn Dầu khí góp 800 tỷ vào ngân hàng Đại Dương, riêng tiền án phí là hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Đinh La Thăng và 5 người khác phải bồi thường cho Tập đoàn Dầu khí hơn 820 tỷ.

Cơ quan thi hành án mới thu 521 triệu đồng tiền án phí và 20 tỷ đồng bồi thường. Số tiền còn phải thi hành án là hơn 800 tỷ đồng.

“Đây là vụ việc gặp khó khăn về thi hành án. Cơ quan điều tra đã kê biên 17.567 cổ phiếu. Cơ quan thi hành án đang có hướng xử lý số cổ phiếu này và truy tìm các tài sản khác”, đại diện Bộ Tư pháp nói song cũng thừa nhận việc xác minh, truy tìm tài sản rất khó vì hầu hết người bị thành án không còn tài sản trực tiếp đứng tên.

Còn vụ Nguyễn Đức Kiên đã thi hành xong toàn bộ các khoản phải thi hành gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ; vụ Phạm Công Danh đã thi hành xong 5.230 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45%), các khoản còn lại cơ quan thi hành án đang phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định, bán đấu giá tài sản đã kê biên; vụ Giang Kim Đạt đang được Cục Thi hành án dân sự Hà Nội xử lý các tài sản; vụ Hà Văn Thắm đang tiến hành xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra gồm quyền sử dụng đất, nhà, cổ phần, cổ phiếu.

Đối với vụ Châu Thị Thu Nga, ông Lực cho biết tiền án phí là 53 triệu đồng và bồi thường cho tổ chức, cá nhân trên 358,8 tỷ. Hiện nay đã thu 4,418 tỷ đồng bồi thường cho các cá nhân, xử lý 1 xe ô tô thu được 605 triệu đồng.Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, tiến độ thi hành án cũng bị ảnh hưởng bởi tài sản phải thi hành án thường nằm ở nhiều địa phương. Nhưng Điều 57 Luật Thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tại nơi ra quyết định thi hành án, sau đó mới ủy thác thi hành cho địa phương khác.

Từ tháng 9 vừa rồi, liên ngành nội chính trung ương đã thống nhất cơ quan thi hành án được phép ủy thác cho địa phương khác để đồng thời thi hành án, thu hồi tài sản. Việc thi hành án vụ án Giang Kim Đạt tham ô tài sản đã áp dụng trình tư này.

Trong những lý do Bộ Tư pháp đưa ra để lý giải cho sự chậm trễ trong tiến độ thi hành án có việc tài sản xử lý là cổ phiếu, liên quan chứng khoán, hoặc tài sản của vợ chồng chưa được tòa án tòa án xác định là tài sản chung hay tài sản do phạm tội mà có. Thậm chí những tài sản phát sinh tranh chấp buộc cơ quan chức năng phải yêu cầu tòa án giải quyết trước khi xử lý.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cac-vu-dai-an-tham-nhung-rat-kho-thi-hanh-an-d84317.html