Cách 'bà đầm thép' nước Anh ứng phó với thất nghiệp, lạm phát

Với một bài phát biểu, Margaret Thatcher đã có thể thay đổi niềm tin của mọi người và bao quát được triết lý kinh tế và đạo đức của mình.

 "Bà đầm thép" Margaret Thatcher. Ảnh: TIME.

"Bà đầm thép" Margaret Thatcher. Ảnh: TIME.

Khi Margaret Thatcher phát biểu bài diễn văn này tại Hội nghị Đảng Bảo thủ vào mùa thu năm 1980, bà đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh được 18 tháng. Bà đang ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng bởi chính sách kinh tế và sự thiếu đồng cảm của mình, bởi vì số người thất nghiệp đã vượt quá hai triệu người và vẫn tiếp tục tăng.

Bài phát biểu của Thatcher có thể để cố cứu vãn, để chống chế, hoặc đơn thuần là bất đắc dĩ vì những công kích đảng phái nhàm chán. Nhưng không hề! Với câu nói nổi tiếng “các người muốn thì cứ việc đảo ngược, nhưng quý bà đây sẽ không bàn lùi”, Margaret Thatcher đã giải thích một cách đầy thách thức, làm thay đổi niềm tin của mọi người và bao quát được triết lý kinh tế và đạo đức của mình. Đó là chủ nghĩa Thatcher.

Một bài diễn văn ở một hội nghị đảng thường có nội dung nặng nề, nghiêm túc, lý lẽ rõ ràng và mộc mạc. Sau những ghi nhận bắt buộc phải gửi đến các thành viên nội các khác (không có trong bản trích dẫn này), bà đã nêu những nét chính về niềm tin của mình vào chủ nghĩa trọng tiền, kiểm soát nguồn cung tài chính và nhắm đến mục tiêu lạm phát bất chấp tình trạng thất nghiệp.

Nhưng trọng tâm của bài phát biểu này nằm ở sự tấn công tư tưởng vào khu vực công:

"Nhà nước đã làm tiêu hao xã hội, không chỉ của cải mà còn thế chủ động, năng lượng và ý chí cải tiến và đổi mới cũng như bảo tồn những điều tốt đẹp nhất".

Giờ đây khi đọc những lời lẽ của Thatcher, tôi muốn hét lên qua những trang giấy. Tôi nghĩ về những giáo viên đã trao cho mỗi thế hệ những kĩ năng cũng như ý chí để đổi mới, những bác sĩ và những y tá đã giúp những người đau ốm tìm lại được năng lượng, những người chăm sóc trẻ em, những nhân viên chăm sóc phúc lợi và sĩ quan cảnh sát đã củng cố sức mạnh xã hội và giúp đất nước chúng ta giàu mạnh.

Chín tháng sau bài phát biểu này, tôi và cha đã đồng hành dưới ngọn cờ công đoàn trong cuộc biểu tình chính trị đầu tiên, lúc đó tôi 12 tuổi: Đó là Cuộc biểu tình của người dân đòi việc làm (People’s March for Jobs). Số người thất nghiệp đã tăng lên đến ba triệu. Lượng người trẻ thất nghiệp tăng nhanh. Gia đình tôi và cộng đồng vùng mỏ than mà tôi đại diện hơn 20 năm qua đều tức giận một cách sâu sắc trước những tổn hại mà chính sách của Thatcher gây ra.

Nhưng Margaret Thatcher là thế đấy! Bà khơi dậy phản ứng, chứ không xây dựng sự đồng lòng. Và bà phá vỡ các khuôn mẫu. Margaret Thatcher là con gái của một người bán tạp phẩm ở Grantham, bà học hóa học trong khi rất ít phụ nữ theo học ngành này và tham gia vào chính trị khi mà chính trị là một lĩnh vực đàn ông chiếm phần lớn hơn nhiều so với ngày nay. Điều này cho thấy điều gì đó về thế giới của đàn ông mà Thatcher muốn dự phần đến mức bà đã học cách nói để làm giọng mình trầm hơn.

Rất nhiều phát ngôn đáng nhớ của Thatcher được người khác viết, bao gồm cả người viết bài diễn văn lâu năm của bà là Sir Ronald Miller, người đã viết ra câu “quý bà đây sẽ không bàn lùi” như một câu gợi nhắc đến vở kịch năm 1948 của Christopher Fry, The Lady’s Not for Burning.

Nhưng dù ai viết đi nữa thì câu nói này cũng đã thu hút được sự chú ý của bà. Và lắng nghe bà nói về niềm tin cá nhân của mình cùng lòng quyết tâm khi nói ra những lời ấy, không nghi ngờ gì nữa, Margaret Thatcher đã biến chúng thành của mình.

Yvette Cooper/NXB Dân trí & Tân Việt Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-ba-dam-thep-nuoc-anh-ung-pho-voi-that-nghiep-lam-phat-post1410340.html