Cách 'bán vé' kỳ quặc của Ban tổ chức

Thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2018 (huyện Sông Lô) đã mở cửa tự do, không bán vé để phục vụ đông đảo người hâm mộ.

Được vào cửa tự do nên ngay từ sáng sớm 4-3, các khán đài quanh sới chọi trâu đã kín chỗ. Đến lúc này, Ban tổ chức yêu cầu ai có vé mời hoặc công đức từ 300.000 đồng trở lên mới được vào sân.

Tuy nhiên, do nhiều người trèo tường vào xem đã gây ra cảnh hỗn loạn. Phía ngoài sới chọi trâu, lực lượng an ninh phải làm việc hết sức vất vả. Dù Ban tổ chức phát loa kêu gọi mọi người công đức 300.000 đồng để được vào khán đài A; công đức 500.000 đồng để được ngồi chỗ có mái che ở khán đài A, nhưng nhiều người cầm phiếu công đức trên tay vẫn không được vào xem, tỏ ra vô cùng bức xúc. Một số người dân ở Hà Nội về với Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm nay, dù đã công đức theo gợi ý của Ban tổ chức và có mặt từ sáng sớm nhưng vẫn không thể vào sân. Trong khi đó, ngay từ 7 giờ sáng, Ban tổ chức đã cho đóng các cổng vào sân vì lo ngại tình trạng quá tải người xem sẽ dẫn đến việc mất an toàn.

Ông Cầu số 03 (bên phải) giành ngôi vô địch Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2018. Ảnh: Việt Hùng

Vòng chung kết Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2018 diễn ra vào ngày 4-3, với ưu thế tuyệt đối của ông Cầu số 03 (chủ trâu là ông Vũ Đình Mẫn). Trâu 03 to, khỏe, đánh rất khôn đòn, hay dùng đòn cáng sừng; vào trận khá từ tốn, hiếm khi dùng đòn hổ lao. Ở trận chung kết, ông Cầu 03 đã thắng ông Cầu số 28 để lên ngôi vô địch.

Dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó đã có công văn yêu cầu, vận động, cũng như tuyên truyền các chủ trâu không giết mổ trâu để bán, nhưng các ông Cầu giành giải nhất, nhì và đồng hạng ba ở Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2018 đều nhanh chóng bị đem đi làm thịt. Hầu hết chủ trâu chọi xin được giết mổ trâu với lý do trâu đã bị thương, không thể chăm sóc tiếp. Chưa đầy nửa tiếng sau khi vô địch, ông Cầu số 03 đã bị xẻ thịt, bán giá cao ngất ngưởng 3 triệu đồng/cân, sau đó có giảm xuống 2,5 triệu đồng, rồi 1 triệu đồng/cân vì khách kêu đắt. Trâu giành ngôi á quân cũng bị làm thịt, bán với giá 2 triệu đồng/cân, sau giảm xuống 1 triệu đồng/cân mới có khách mua.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm. Sau khi Lữ Gia mất, dân Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Lễ hội chọi trâu truyền thống từ hàng trăm năm nay chỉ có ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lựu. Chọi trâu là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa tâm linh, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, phản ánh cuộc sống vật chất, tinh thần của cư dân một vùng. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu mang đậm nét văn hóa Việt nhưng nếu được tổ chức một cách bài bản, khoa học hơn thì sẽ thực sự đem lại niềm vui, sự hài lòng cho du khách.

VŨ THU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cach-ban-ve-ky-quac-cua-ban-to-chuc-532885