Cách bảo quản thực phẩm giúp duy trì hàm lượng dinh dưỡng

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa hướng dẫn chi tiết cho việc bảo quản thực phẩm đúng cách, vừa giúp duy trì hàm lượng dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.

 Tùy loại thực phẩm mà lựa chọn cách bảo quản khác nhau.

Tùy loại thực phẩm mà lựa chọn cách bảo quản khác nhau.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

Ngày Tết trong tủ lạnh của mỗi gia đình đều đầy ắp thực phẩm. Nào là bánh chưng, giò, trứng, các loại thịt, các loại rau củ quả, cho đến các loại đồ uống. Mỗi loại thực phẩm phù hợp mới mức lạnh khác nhau nên cần có cách bảo quản khác nhau.

Đối với các loại thịt tươi sống cần bảo quản ở nơi lạnh nhất của tủ lạnh (ngăn đông lạnh). Thịt phải được chứa đựng trong hộp có nắp đậy kín hoặc túi nilon sạch, tránh chảy nước ra bên ngoài. Nên chia nhỏ thịt theo từng bữa để tiện lợi cho việc lấy ra sử dụng.

Đối với các loại hoa quả và rau cần phải bảo quản riêng biệt trong các ngăn khác nhau. Nguyên tắc sắp xếp thứ nào nặng như su hào, cà rốt, bắp cải,… để xuống dưới; thứ nào nhẹ như rau cải, rau muống, súp lơ,… để lên trên để tránh bị dập nát. Nên loại bỏ các phần dập nát, rửa sạch, để ráo nước và cho các loại rau củ quả vào túi nilon có chọc thủng vài lỗ nhỏ để thoáng khí khi cho vào tủ lạnh.

Hướng dẫn bảo quản thực phẩm an toàn trong môi trường lạnh của Cục ATTP.

Đối với các loại thực phẩm đã nấu chín chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh từ 1 - 2 ngày. Tốt hơn hết bạn chỉ nên nấu lượng thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa. Các loại quả như chuối, bơ, đào, mơ; các loại rau củ như khoai tây, hành tây, tỏi, cà chua, bí ngô,… không cần bảo quản trong tủ lạnh.

Bảo quản thực phẩm khô

Thực phẩm khô rất phổ biến trong căn bếp của các gia đình Việt. Từ gạo, mì, miến cho đến các loại hạt như đậu đỗ, lạc, vừng, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô,… Thực phẩm khô rất tiện lợi vì có thể bảo quản được lâu và dễ dàng sử dụng. Các gia đình có thể tự sấy hoặc phơi khô thực phẩm tại nhà hoặc mua thực phẩm đã được làm khô.

Cách bảo quản thực phẩm khô tốt nhất là để chúng trong các bình chứa kín, các túi nilon kín, túi hút chân không. Không nên để thực phẩm khô trong tủ lạnh vì môi trường tủ lạnh sẽ làm thực phẩm khô nhanh bị mốc hỏng và giảm độ giòn.

Bảo quản thực phẩm bằng sấy khô và các phương pháp khác.

Bảo quản thực phẩm ngâm, ướp, muối

Trong truyền thống ẩm thực của Việt Nam, các món ngâm, ướp, muối đã trở thành những món ăn được ưa chuộng từ đời này qua đời khác. Nào là dưa muối, cà muối, chanh muối, măng muối ớt, mắm tôm chua, thịt chua,… cho đến chân gà ngâm sả tắc, trứng gà ngâm nước tương… Và trong ngày Tết thì không thể thiếu món dưa hành.

Để bảo quản các loại thực phẩm này cần phải để chúng trong hộp, hũ kín, tránh gió xâm nhập. Các loại dưa muối, thịt muối khi xuất hiện mốc trắng không nên tiếp tục sử dụng. Các loại thịt, trứng ngâm nên sử dụng hết trong thời gian ngắn sau khi đã ngấm đủ gia vị.

Ngoài ra, có một số loại phụ gia có tác dụng bảo quản thực phẩm được phép sử dụng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cần sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng thực phẩm.

Doãn Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/cach-bao-quan-thuc-pham-giup-duy-tri-ham-luong-dinh-duong-595801.html