Cách chăm sóc da mụn trong mùa đông

Tình trạng mụn có thể trở nên tệ hơn do da khô và thiếu độ ẩm vào mùa đông. Một số cách chăm sóc da sau đây giúp bạn ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng mụn khi tiết trời vào đông...

Vào mùa đông, nhiệt độ môi trường giảm, thói quen tắm nước nóng và lâu, làm độ ẩm trên da mất đi, khiến da bị khô. Để ngăn chặn tình trạng mất độ ẩm, da khô sẽ tiết nhiều bã nhờn hơn làm dư thừa bã nhờn. Đây là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn lỗ chân lông, hình thành mụn và làm nghiêm trọng thêm tình trạng da mụn.

Để chăm sóc da mụn, cần lưu ý:

1. Thay đổi sữa rửa mặt

Nếu cảm thấy da căng và khô sau khi rửa mặt, bạn cần thay đổi sữa rửa mặt dịu nhẹ hơn. Sữa rửa mặt tạo nhiều bọt vô cùng hiệu quả trong việc loại bỏ dầu thừa vào mùa hè, khi da nhờn và đổ nhiều mồ hôi. Vào mùa đông, nên sử dụng sữa rửa mặt không tạo bọt hoặc dạng kem để giúp làm sạch da ở mức độ vừa đủ mà không gây khô da.

Bạn nên sử dụng các loại sữa rửa mặt có thành phần chủ yếu từ thiên nhiên, không chỉ giúp làm sạch dịu nhẹ, cải thiện độ rạng rỡ mà còn cân bằng độ pH cho làn da. Rửa mặt với nước ấm thay vì nước nóng để tránh da bị căng hoặc khô hơn.

Lưu ý không sử dụng sữa rửa mặt chứa thành phần trị mụn như acid salicylic và benzoyl peroxide vì gây khô da, đặc biệt nếu kết hợp với sản phẩm điều trị mụn khác.

2. Sử dụng kem dưỡng ẩm

Hầu hết các sản phẩm trị mụn có thể gây khô da ở mức độ nào đó kết hợp với độ ẩm thấp... cho nên dưỡng ẩm lại càng quan trọng. Các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ giảm tình trạng da khô, ngăn tiết bã nhờn gây tắc lỗ chân lông, do đó có thể cải thiện tình trạng da mụn.

Bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm “không gây mụn”, chứa thành phần như acid hyaluronic hoặc ceramides. Bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm có hiệu quả dưỡng ẩm tốt hơn. Hạn chế sử dụng lotion dưỡng ẩm vì thường chứa cồn và hương liệu dễ gây kích ứng da và làm tăng tình trạng da mụn.

Các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ giảm tình trạng da khô, ngăn tiết bã nhờn gây tắc lỗ chân lông, do đó có thể cải thiện tình trạng da mụn.

3. Không quên kem chống nắng

Ánh nắng mặt trời là 'thủ phạm' hàng đầu gây hại làn da. Đặc biệt, một số phương pháp hoặc sản phẩm điều trị mụn có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó, sử dụng kem chống nắng không chỉ giúp ngăn ngừa cháy nắng mà còn bảo vệ làn da, ngăn ngừa lão hóa sớm với các biểu hiện tăng sắc tố da, nếp nhăn, sạm và nám da.

Bạn nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chỉ số SPF ít nhất 30. Bôi lại kem chống nắng 2-3 lần trong ngày và ưu tiên sử dụng sản phẩm có khả năng bảo vệ và dưỡng ẩm, không chứa dầu dành cho da mụn hoặc từ thành phần thiên nhiên.

4. Uống đủ nước

Một trong những nguyên mụn bùng phát mụn vào mùa đông là do da thiếu độ ẩm và khô. Hãy đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày để cấp ẩm cho làn da từ bên trong. Đồng thời, hạn chế cà phê và các thức uống chứa caffein vì có thể gây khô da, bong tróc và tăng nguy cơ phát triển mụn.

Uống đủ nước mỗi ngày để cấp ẩm cho làn da từ bên trong.

5. Thay vỏ gối thường xuyên

Vỏ gối là nơi tiếp xúc trực tiếp với da đầu và mặt. Dầu từ tóc và da có thể gây mụn, nên hãy thay vỏ gối ít nhất 1 lần/tuần. Bên cạnh đó, hạn chế chạm tay lên mặt vì dễ truyền vi khuẩn từ tay sang mặt, làm tăng tình trạng mụn trên da.

Ngoài ra, cần tránh những vấn đề sau đây khi chăm sóc da mụn mùa đông:

Hạn chế tiêu thụ nhiều đường và các sản phẩm từ sữa.
Tránh tắm nước nóng quá lâu. Rửa mặt hoặc tắm bằng nước ấm tốt hơn cho da mụn.
Tránh sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần dầu vì làm nặng tình trạng da mụn.
Tránh dùng sản phẩm chăm sóc da chứa hương liệu hoặc nước hoa vì có thể gây kích ứng da.
Không nên dùng kem dưỡng ẩm dạng đặc. Bạn có thể dùng kem dưỡng ẩm lỏng và thoa lại nhiều lớp mang lại hiệu quả dưỡng ẩm tốt hơn mà không gây bít tắc lỗ chân lông.

Chăm sóc da mụn là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ đúng cách. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị và sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện đều đặn có thể hỗ trợ sức khỏe làn da, đặc biệt da mụn. Đặc biệt, hạn chế nặn mụn bằng tay và tránh căng thẳng kéo dài.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Những người không nên ăn cơm rượu nếp | SKĐS

An Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-cham-soc-da-mun-trong-mua-dong-169231204100850147.htm