Cách chế biến rượu đào tiên

Hiện nay có nhiều người sử dụng các sản phẩm từ quả đào tiên như một loại thuốc nam để tăng cường sinh lực, bảo vệ sức khỏe. Khỏe Plus xin giới thiệu tới độc giả một số cách ngâm rượu với quả đào tiên.

Quả đào tiên còn có tên gọi là quả trường sinh, tên khoa học là Crescentia cujete Lin thuộc họ núc nác (bignoniacae). Đào tiên có thân gỗ, cao từ 7-10m, lá mọc hình tán, xanh tươi quanh năm. Hoa mọc đơn độc ngay trên thân hay cành cây, có mùi hơi khó chịu. Quả đào tiên hình cầu, đường kính 6-12cm, trông gần giống với trái bưởi “da xanh”, vỏ trái cứng và bóng, cơm màu trắng, vị chua chua, có nhiều hạt dẹp, nhỏ cũng màu trắng.

Theo các thầy thuốc, trong thịt của quả đào tiên có một số acid hữu cơ (acid citric, acid clorogenic, acid creosentic...). Ruột quả phơi khô đun nước uống tác dụng làm bớt căng thẳng thần kinh,tim bớt hồi hộp,bổ phổi, chữa ho, giúp hen suyễn dễ thở, tiêu hóa tốt, hạ huyết áp (giảm stress).

Hoa và quả đào tiên. Ảnh: Phú Cường

Hoa và quả đào tiên. Ảnh: Phú Cường

Khỏe plus xin giới thiệu một số cách chế biến rượu đào tiên và tác dụng của chúng tới sức khỏe con người.

Dùng cho người ăn uống kém, mất ngủ và cần thải độc

Dùng quả đào tiên già để ngâm sẽ tốt hơn. Bổ lấy phần thịt quả bên trong vỏ cứng, mang phơi khô (phần thịt quả này khi phơi sẽ biến thành màu đen). Cứ 200g ruột đào tiên thêm 10 quả chuối hột (đã phơi khô, sao vàng) ngâm cùng 2 lít rượu nếp. Sau 10 ngày là dùng được.

Dùng cho người bị đau lưng, nhức sương, phong tê thấp

Đào tiên già, lấy ruột phơi khô. Thân và rễ cây lá lốt rửa sạch, phơi khô, sao vàng, hạ thổ. Ngâm 200g ruột quả đào tiên đã phơi khô cùng 200g thân và rễ cây lá lốt cùng với rượu. Trước mỗi bữa ăn dùng một ly nhỏ khoảng 30ml.

Dùng làm rượu thuốc khai vị

Lấy 100g cơm quả đào tiên ngâm với 500ml rượu gạo ngâm trong 7 đến 10 ngày. Trước bữa ăn dùng một ly nhỏ 30ml, ngày 2 – 3 lần sẽ giúp ăn ngon miệng, tốt cho tiêu hóa.

Quả đào tiên nhìn qua rất giống quả bưởi da xanh. Ảnh: Phú Cường

Dùng làm thuốc xổ

Tương tự cách dùng làm rượu thuốc khai vị ở trên, nhưng lấy liều lượng ruột quả đào tiên nhiều hơn, tức là nếu ngâm 600g ruột quả với 500ml rượu sẽ thành thuốc tẩy độc ở đường tiêu hóa, nhờ khả năng này khi uống vào sẽ kích thích co bóp ruột tống chất độc ra ngoài theo đường hậu môn.

Cách tự chế bình rượu đào tiên

Cũng có cách làm khác rất hay và đẹp là tận dụng vỏ cứng của quả đào tiên làm bình đựng rượu. Đào tiên để nguyên quả mang phơi đến khi vỏ quả khô đổi màu thâm xám, dùng cưa cưa phần cuống tạo thành nắp bình rượu. Dùng dao khoét ruột quả, đem phơi khô. Cho thêm chuối sứ nướng (chuối hột ) đã phơi khô sao vàng hạ thổ vào vỏ quả cùng với rượu và ruột đào tiên. Niêm kín miệng quả, ngâm trong 10 ngày là có thể dùng được.

Một số tác dụng khác của quả đào tiên:

– Chế siro trị viêm họng, ho: Lấy lớp cơm chua của trái đào tiên điều chế thành siro chữa ho, viêm họng. Nạo lấy phần thịt trắng bên trong, thái nhỏ cho vào nồi, đun nóng và đảo qua lại cho đến khi chín (lúc đầu thịt quả màu trắng, đến khi chín chuyển sang màu đen nhánh) thì thêm đường vào, tạo thành sản phẩm giống như sirô (gọi là sirô calebasse) dùng để chữa ho và tốt cho phổi.

– Chế thuốc khỏe cho cơ thể: Thường xuyên ăn trái đào tiên chín hằng ngày. Vì theo một số tài liệu cũng có nói rằng trái đào tiên có tác dụng tăng cường tuổi thọ, trị được suy nhược cơ thể, dưỡng sinh lực và điều hòa được kinh lạc…

– Chế thuốc nhuận tràng, chống táo bón: Lấy cơm trái đào tiên còn chưa chín kết với một số vị thuốc khác điều chế thành thuốc tẩy hay làm thuốc nhuận tràng, chống táo bón.

- Thịt quả đào tiên già sao khô ngâm rượu mạnh trong 100 ngày có tác dụng suy giảm đau lưng, tê mỏi chân tay, đau đầu lâu năm, suy nhược cơ thể, yếu sinh lý, viêm đại tràng co thắt, bại liệt do di chứng mạch máu não, xơ gan cổ trướng do virus, béo phì...

Lam Lê (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cach-che-bien-ruou-dao-tien-post177633.info