Cách đặt tên bão và sử dụng hằng năm như thế nào?

Bạn thường nghe tới tên các cơn bão như MuLan, Damrey, Yutu... Vậy cách đặt tên cho bão và sử dụng tên này cho các cơn bão trong năm như thế nào?

Ai đặt tên cho những cơn bão?

Khoảng đầu thế kỷ 20, người ta bắt đầu đặt tên cho các cơn bão để thuận tiện cho việc truyền thông, cảnh báo tới người dân. Một nhà dự báo thời tiết của Australia đã lần đầu tiên đặt tên bão theo tên của những chính trị gia mà ông ghét nhất.

Trong giai đoạn Chiến tranh thế giới 2, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải quân Mỹ đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ, thường là tên vợ hoặc bạn gái của các nhà dự báo.

Từ năm 1950-1952, các cơn bão ở Bắc Đại tây dương được đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái (Able-Baker-Charlie- ...), nhưng từ năm 1953 cơ quan khí tượng Mỹ lại chuyển sang dùng hệ tên phụ nữ.

Đến những năm 1960, phong trào nữ quyền thế giới phản đối việc lấy tên phụ nữ đặt cho bão vì bão toàn đem lại điều tồi tệ. Vì vậy năm 1979, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan khí tượng Mỹ (NWS) thống nhất sử dụng tên bão gồm cả tên phụ nữ và nam giới.

Các cơn bão được đặt tên để thuận tiện truyền thông, cảnh báo.

Các cơn bão được đặt tên để thuận tiện truyền thông, cảnh báo.

Điều kiện để một cơn bão có tên gọi là khi nó bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt từ 63 km/h trở lên. Danh sách tên bão được đề xuất bởi Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHSs) của các thành viên WMO của một khu vực cụ thể và được các cơ quan tương ứng cấp khu vực phê duyệt tại các phiên họp hàng năm hoặc hai năm một lần.

Mỗi đại dương lớn trên thế giới sẽ có các danh sách tên bão riêng. Hiện nay danh sách tên bão trên thế giới được cập nhật bởi một Ủy ban quốc tế của WMO.

Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở lòng chảo tây bắc Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam) được đặt theo một danh sách các tên mới. Những tên mới này do 14 thành viên của WMO trong khu vực đề cử. Mỗi thành viên cung cấp 10 cái tên, tạo thành danh sách 140 tên bão. Các tên này thường là tên các loài hoa, động vật, loài chim, loài cây cỏ và thậm chí tên các món ăn...

Trung tâm Bão Nhiệt đới Tokyo - Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ lần lượt dùng những tên trong ngân hàng 140 tên trên để đặt cho các cơn bão trong khu vực. Các tên bão mà Việt Nam đóng góp là Sơn Tinh, Cỏ May, Bằng Lăng, Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi, Hạ Long, Sông Đà, Sao La, (các tên Lekima, Hoa Mai, Vàm Cỏ cũng từng được Việt Nam đề cử).

Không có quy định hạn chế số lượng tên gọi bão trong một năm dương lịch. Các tên trong danh sách lấy theo trình tự lần lượt từ trên xuống dưới. Ví dụ, sau bão Sonca, cơn bão tiếp theo ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương sẽ được đặt tên là Nesat.

Danh sách tên bão ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương

Một tên bão sẽ bị xóa khỏi danh sách khi cơn bão gây thiệt hại nặng nề. Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.

Những tên bão nổi tiếng như Mangkhut (Philippines, 2018), Irma and Maria (Caribbean, 2017), Haiyan (Philippines, 2013), Sandy (USA, 2012), Katrina (USA, 2005), Mitch (Honduras, 1998) và Tracy (Darwin, 1974) cũng bị WMO loại khỏi danh sách vì lý do trên.

Ngọc Khánh (t/h)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/cach-dat-ten-bao-va-su-dung-hang-nam-nhu-the-nao-417306.html