Cách duy nhất, cuối cùng để tìm thấy tàu ngầm Argentina

Hiện nay, có thể thủy thủ đoàn tàu ngầm ARA San Juan (S-42) của Argentina đã thiệt mạng, chỉ còn một cách duy nhất để tìm thấy chiếc tàu ngầm này.

Theo bài viết trên trang web của hãng thông tấn Nga Sputnik, chiếc tàu ngầm mang tên “San Juan” của hải quân Argentina đã ngừng liên lạc vào hôm 15 tháng 11, ở khu vực cách bờ biển 432 km. Khi đó, chiếc tàu ngầm đang tham gia một cuộc tập trận, trên tàu có 44 thủy thủ.

Tàu ngầm diesel-điện “San Juan” thuộc lớp TR-1700 chế tạo tại nhà máy Thyssen Nordseewerke - Đức, được đưa vào biên chế Hải quân Argentina vào năm 1985. Chiều dài của chiếc tàu ngầm là 66 mét, có thể tăng tốc độ lên đến 25 hải lý/giờ. Tàu loại này có thể lặn trong thời gian tối đa là hai ngày mà không cần nổi lên trên mặt nước.

Sau khi chiếc tàu ngầm biến mất, Argentina đồng ý chấp nhận hỗ trợ quốc tế và đã có 7 quốc gia thể hiện sẵn sàng giúp đỡ trong việc tìm kiếm, trong đó có Hoa Kỳ, Anh và Chilê.

Theo đề nghị của chính phủ và Quân đội Argentina, một chiếc tàu của Anh đang trên đường tới vùng biển nước này. Hải quân Mỹ cũng đã gửi các thiết bị ngầm hoạt động độc lập để tìm kiếm chiếc tàu ngầm San Juan của hải quân Argentina đang bị mất tích.

Đó là thiết bị Bluefin 12D (Deep) UUV có thể tìm kiếm ở độ sâu 1,5 km trong 30 giờ với tốc độ 5,6 km/giờ. Ngoài ra, sẽ sử dụng 3 thiết bị không người lái Iver 580 UUV, có thể hoạt động trong 14 giờ ở độ sâu khoảng 100 mét. Ngoài ra, Mỹ cũng đã gửi các thiết bị ngầm đặc biệt khác và một máy bay tìm kiếm.

Ngoài các tàu và máy bay của Argentina, máy bay Hải quân Hoa Kỳ P-8A, cũng như máy bay R-3 thuộc NASA cũng tham gia vào hoạt động tìm kiếm. Về lí thuyết, máy bay sẽ có thể phát hiện tàu ngầm, ngay cả khi nó ở dưới đáy đại dương, bởi trên tàu ngầm có một từ kế, các cảm biến để đo độ dày của băng và nhiều camera hồng ngoại.

Hôm 19/11, đại diện của Hải quân Argentina báo cáo nhận được 7 tín hiệu có thể được truyền từ chiếc tàu ngầm bị mất tích. Các tín hiệu vệ tinh kéo dài từ 4 đến 36 giây được ghi nhận từ 10h52 đến 15.42 bởi các căn cứ Hải quân khác nhau; nhưng hiện giờ chưa thể liên lạc với thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm ARA San Juan (S-42) của Hải quân Argentina

Tàu ngầm ARA San Juan (S-42) của Hải quân Argentina

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Konstantin Sivkov - Tiến sĩ Khoa học Quân sự, thành viên Học viện nghiên cứu và pháo binh Nga cho biết, có rất nhiều lý do gây ra một vụ tai nạn cho tàu ngầm, có thể liệt kê một số nguyên nhân gây ra sự cố tàu ngầm.

Trường hợp khẩn cấp tiêu biểu đối với các tàu ngầm thuộc loại này, đó có thể là một tai nạn bởi tình trạng phát cháy xuất phát từ nguyên nhân chập mạch điện; hoặc có thể là việc xử lý không đúng với khối lượng đạn dược có trên tàu nên đã gây ra vụ nổ ngầm.

Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, sự cố phát nổ ngầm sẽ gây ra các dư chấn dưới nước và có thể sẽ được các phương tiện hàng hải ở gần đó ghi nhận - ông Konstantin Sivkov nói.

Theo ý kiến của chuyên gia Konstantin Sivkov, việc sử dụng các loại thiết bị tự hành dưới nước sẽ làm tăng đáng kể cơ hội để tìm ra tàu ngầm, thậm chí trong thời điểm chiếc tàu ngầm mất liên lạc đã 6 ngày, đó là phương án khả thi nhất.

Theo ông, từ khi chiếc tàu ngầm bị chìm đến nay, có thể là tất cả thủy thủ đoàn đều đã hi sinh, tất cả các cơ chế vận hành trên tàu đều ngừng hoạt động, việc tìm kiếm tàu ngầm bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm truyền thống trở nên vô dụng.

Bởi vì, nếu con tàu chìm dưới đáy biển, các sonar hoạt động cũng khó có khả năng đem lại lợi ích, bởi vì phản hồi của mặt đáy biển không bằng phẳng sẽ giấu kín hình dạng của chiếc tàu ngầm.

Do đó, cách duy nhất còn lại là phương pháp tìm kiếm thị giác hoặc tìm kiếm thủy âm (hydroacoustic). Đây là những khả năng hiện có của những thiết bị ngầm không người lái, chỉ có những thiết bị này mới làm tăng đáng kể cơ hội tìm ra chiếc tàu ngầm Argentina.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cach-duy-nhat-cuoi-cung-de-tim-thay-tau-ngam-argentina-3347495/