Cách giảm đờm khi ho do Covid-19

Thống kê cho thấy khoảng một phần 3 người mắc Covid-19 có triệu chứng ho có đờm đặc.

Nguyên nhân của triệu chứng ho có đờm là tắc nghẽn phổi xảy ra khi cơ thể nhiễm SARS-CoV-2. Virus này vẫn tồn tại trong cơ thể sau khi chúng ta khỏi bệnh.

Phổi cũng như đường hô hấp của chúng ta sẽ bắt đầu tiết đờm khi chúng nhiễm virus tương tự nCoV. Chất này này thực chất là cách cơ thể đẩy các virus ra khỏi cơ thể thông qua các cơn ho.

Covid-19 tác động tới phổi như thế nào?

Chúng ta đều biết Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2 gây ra. Loại virus này lây nhiễm tới các tế bào niêm mạc ở đường thở, nhất là lớp màng nhầy. Lớp màng này tạo ra chất nhầy để khi kích thích, cơ thể sẽ đẩy được virus ra ngoài.

Nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây viêm các mô phổi, gồm cả khu vực oxy và carbon dioxide đi qua từ không khí vào máu. Khi các mô này phồng lên và chứa đầy chất lỏng, phổi sẽ gặp khó khăn trong việc đưa oxy đến cơ thể cũng như loại bỏ chất thải.

Do đó, các triệu chứng của Covid-19 thường liên quan trực tiếp đến phổi như ho khan, ho có đờm, ngạt mũi, khó thở…

Ho có đờm giúp chúng ta đẩy virus ra khỏi cơ thể. Ảnh minh họa: engin_akyurt.

Trên thực tế, ở các bệnh nhân Covid-19, tình trạng ho khan thường gặp hơn ho có đờm (khoảng 50-70% bệnh nhân Covid-19 bị ho khan). Tuy nhiên, ho khan có thể diễn biến thành ho có đờm theo thời gian ở giai đoạn sau của bệnh.

Khi nCoV xâm nhập vào phổi, tình trạng viêm sẽ dẫn đến tăng tiết đờm tích tụ trong đường thở. Tùy trường hợp, lượng đờm này có thể khiến diễn biến bệnh Covid-19 nặng hơn như tổn thương phổi, nhiễm trùng thứ cấp.

Trong khi đó, với những bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, đờm còn có thể dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng ở một hoặc cả 2 phổi. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương phổi và ho, khó thở kéo dài trong nhiều tháng.

Một số trường hợp ho nghiêm trọng cần tới khám bao gồm:

Đau ngực
Ho ra máu
Lo lắng
Buồn ngủ, không thể tỉnh táo
Da, môi, móng tay nhợt nhạt
Ho kéo dài hơn 3 tuần
Sốt cao

Cách hạn chế đờm khi mắc Covid-19

Dù bản chất của đờm là chất nhầy được cơ thể chủ động tạo ra với mục đích tốt, chúng ta vẫn cần cố gắng loại bỏ loại dịch này trong quá trình điều trị Covid-19.

Việc làm này không giúp chúng ta hết nhiễm trùng. Tuy nhiên, loại bỏ đờm có thể giúp người bệnh dễ thở hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu gặp cảm thấy khó chịu với việc ho có đờm liên tục khi mắc Covid-19, chúng ta nên tìm tới các bác sĩ để được thăm khám và kê một số loại thuốc theo đơn. Những chất này làm loãng chất nhầy trong phổi và khiến chúng ta dễ thở hơn.

Cụ thể, N-acetylcysteine thường được sử dụng để làm loãng các chất nhầy ở ngực. Trong khi đó, Bromhexine sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do Covid-19 gây ra.

Tình trạng ho có đờm có thể được khắc phục bằng thuốc hoặc một số phương pháp hỗ trợ. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya.

Hai loại thuốc này đều làm loãng chất nhầy và giúp chúng ta ho. Tuy nhiên, chúng hoạt động thông qua các cơ chế khác nhau, không giống thuốc long đờm không kê đơn (thường chứa guaifenesin).

Trong trường hợp các cơn ho kéo dài hoặc triệu chứng ngạt thở ảnh hưởng lớn đến quá trình hô hấp, chúng ta có thể cần tới các biện pháp vật lý trị liệu để cải thiện sức khỏe của phổi.

Các loại thuốc long đờm (chứa hoạt chất guaifenesin) có thể giúp làm loãng chất nhầy và giúp chúng ta dễ ho hơn. Các loại thuốc này sẽ không làm bệnh nhân giảm ho nhưng có thể giúp đẩy nhiều chất đờm ra ngoài, từ đó dễ thở hơn.

Một số loại thuốc thông mũi (chứa pseudoephedrine) giúp làm co mạch máu trong màng nhầy, nhất là xoang, từ đó làm chậm quá trình sản xuất chất nhầy. Các loại thuốc này có hiệu quả khá tốt trong những trường hợp ngạt mũi.

Một lưu ý là chúng ta không nên dùng thuốc giảm ho khi ho có đờm. Ho là cơ chế cần thiết để cơ thể đẩy chất nhầy ra khỏi phổi - nơi chúng làm cản trở quá trình hô hấp.

Dùng thuốc giảm ho lúc này có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do chúng ta vô tình giữ lại chất nhầy trong phổi cũng như đường thở.

Ngoài dùng thuốc, một số biện pháp khắc phục ho có đờm tại nhà bao gồm:

Giữ đủ nước: Chất nhầy có tới 90% là nước. Chúng có thể trở nên đặc hơn khi cơ thể mất nước.
Sử dụng máy tạo độ ẩm, xông hơi mặt hoặc toàn thân.
Làm dịu da mặt bằng khăn ấm và ẩm.
Hít sâu và tập các bài tập thở.
Rửa mũi bằng các dụng cụ chuyên dụng hoặc thuốc xịt mũi.
Nâng cao cơ thể khi ngủ hoặc nằm.

Những bài tập này sẽ sử dụng hơi thở để tăng cường chức năng phổi, từ đó đẩy chất nhầy ra ngoài.

Bài tập thở sâu:

Đặt một tay lên bụng, tay kia đặt lên ngực để cảm nhận chuyển động khi thở
Hít sâu bằng mũi để cảm thấy bụng phồng ra
Thở ra chậm, mím môi, làm rỗng phổi và tiếp tục hít vào bụng
Lặp lại trong 3-5 chu kỳ, tập nhiều lần trong ngày

Bài tập xếp chồng hơi thở:

Đẩy tất cả hơi ra khỏi cơ thể
Hít vào một hơi nhỏ và giữ cho tới khi cảm thấy cần hít thêm
Hít tiếp một hơi nhỏ nữa
Lặp lại nhịp hít này tới khi không thể thêm không khí nữa
Giữ hơi thở này trong tối đa 5 giây
Thở mạnh hết hơi ra ngoài

Những bài tập này sử dụng trọng lực để di chuyển chất nhầy ra khỏi phổi. Nằm ngửa và nghiêng là 2 tư thế được khuyến khích.

Chúng ta nên đợi ít nhất một giờ sau bữa ăn trước khi tập, dừng lại khi cảm thấy buồn nôn hoặc tình trạng ợ nóng xuất hiện.

Bài tập nằm ngửa:

Nằm ngửa
Giữ đầu bằng và gập đầu gối lại
Kê hông bằng gối để bộ phận này cao hơn ngực
Giữ vị trí này trong ít nhất 5 phút
Thử hít sâu nếu thấy dễ chịu

Bài tập nằm nghiêng:

Nằm nghiêng
Giữ đầu bằng, kê tay nếu cần thiết
Kê hông bằng gối cao hơn ngực
Giữ vị trí này trong 5 phút
Hít sâu nếu có thể
Lặp lại với bên còn lại

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-giam-dom-khi-ho-do-covid-19-post1354188.html