Cách Hải Phòng nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến từ 18% lên trên 94%

Với cách làm khác biệt là tính toán cụ thể thực trạng từng đơn vị để giao chỉ tiêu trong tổng thể giải pháp đồng bộ, quyết liệt và liên tục, Hải Phòng đã vượt mục tiêu về phát triển dịch vụ công trực tuyến.

Lời tòa soạn: Tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 5/6 về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” do Bộ TT&TT tổ chức, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng với tham luận “Chính sách miễn giảm phí, lệ phí, rút ngắn thời gian xử lý và một số ngày trong tuần ưu tiên tiếp nhận hồ sơ trực tuyến”, đã chia sẻ những kinh nghiệm để Hải Phòng đưa tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ 18% cuối năm 2021 lên 94% trong 5 tháng đầu năm 2023. Báo VietNamNet xin gửi đến độc giả toàn văn bài tham luận này.

Năm 2022, dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Hải Phòng đã xây dựng chương trình chuyển đổi số của thành phố, với mục tiêu ban đầu là tập trung xây dựng các hạ tầng nền tảng, dữ liệu số, đồng thời có đẩy mạnh chính quyền số.

Tại cuộc làm việc của thành phố với Bộ TT&TT vào cuối tháng 4/2022, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thành phố nhận thấy một điểm nghẽn của địa phương mình khi đó là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố còn thấp. Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của Hải Phòng mới chỉ đạt 18%.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà

Cũng tại cuộc làm việc nêu trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã trao đổi, Hải Phòng cần đạt mục tiêu cao, ít nhất là 60%. Chúng tôi nhận thấy đây là mục tiêu rất thách thức, bởi thời gian triển khai chỉ còn hơn 6 tháng cuối năm 2022. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi là làm sao để nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của thành phố từ 18% lên 60%.

Khác với cách thông thường về giao chỉ tiêu cho các sở, ngành và địa phương trên địa bàn, Hải Phòng tính toán để giao chỉ tiêu cụ thể cho 35 Sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã, phường trên cơ sở tính toán thực trạng.

Để giải quyết vấn đề này, cần có cách làm khác biệt. Thực tế, Hải Phòng đã triển khai một chiến dịch tổng thể gồm một loạt giải pháp đồng bộ, quyết liệt và liên tục. Cuối cùng, chúng tôi không chỉ đạt và thậm chí đã vượt so với mục tiêu đã đề ra.

Kế hoạch 128 về “Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn trong cơ quan nhà nước” được UBND thành phố ban hành ngày 27/5/2022, sau cuộc làm việc với Bộ TT&TT, đã đưa ra một số cách làm khác biệt.

Đối với việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các sở, ngành và địa phương trên địa bàn, khác với cách giao thông thường trong những kế hoạch khác là có thể giao các sở/ban/ngành 70%, quận/huyện 60% và xã/phường 50%, chúng tôi có tính toán để giao chỉ tiêu cụ thể cho 35 Sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã, phường.

Người dân Hải Phòng tra cứu về kết quả và nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh: Sở TT&TT Hải Phòng cung cấp

Cụ thể, chúng tôi tính toán thực trạng số lượng hồ sơ trực tuyến của từng đơn vị tại thời điểm đó là bao nhiêu, số hồ sơ đơn vị đó nhận so với tổng thể số hồ sơ trên toàn thành phố để tính ra tỷ trọng đóng góp và từ đó áp các chỉ tiêu. Như vậy, với những đơn vị nào có xuất phát điểm tương đối cao thì có thể đẩy cao hơn nữa.

Trong thực tế, Sở Công Thương chúng tôi đặt luôn mục tiêu 99,7%; Sở KH&CN là 99,9%; Sở Giao thông vận tải là 99%. Tương tự, các quận có xuất phát điểm tốt được giao chỉ tiêu cao, như Hải An 83%, Kiến Thụy 88%. Ngược lại, với các đơn vị xuất phát điểm đang thấp, có những khó khăn, chúng tôi cũng tính toán để giao chỉ tiêu, như Sở TN&MT giao 69%, Sở Tư pháp 76%, quận Kiến An là 53% và một số xã chỉ đặt từ 66 - 67%.

Chúng tôi có ban hành kèm Kế hoạch 128 bản phụ lục bảng biểu cụ thể số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mà từng đơn vị cần đạt, nâng tỷ lệ lên là bao nhiêu để cuối cùng hướng tới mục tiêu chung toàn thành phố đạt 60%.

Ngoài ra, trong Kế hoạch 128, chúng tôi cũng đề ra một số giải pháp khác: Mỗi cơ quan, đơn vị lựa chọn 2 ngày trong tuần ưu tiên tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và bộ phận một cửa của địa phương, đơn vị để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện; công khai danh mục 145 thủ tục hành chính thí điểm ưu tiên chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến - đây là những thủ tục hành chính mà người dân có thể tiếp cận rất dễ dàng.

Mỗi cơ quan, đơn vị lựa chọn 2 ngày trong tuần ưu tiên tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và bộ phận một cửa; công khai danh mục 145 thủ tục hành chính thí điểm ưu tiên chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

Sau khi ban hành kế hoạch, Hải Phòng đã có một loạt biện pháp để triển khai được các nội dung công việc trong thực tế. Ba hướng được đưa ra.

Hướng thứ nhất coi đây là những nhiệm vụ, giải pháp của chính quyền số, lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến có nhiều người sử dụng nhất để đơn giản hóa toàn trình, giảm thời gian.

Với một số lĩnh vực khó, trước đây tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp, chúng tôi ưu tiên tập trung như cấp giấy phép lái xe trực tuyến, đăng ký kinh doanh… Đặc biệt, phối hợp cùng Bộ TT&TT, Hải Phòng đã liên thông Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố với Cổng dữ liệu đất đai - VBDLIS thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đất đai. Thời gian vừa qua, nền tảng này đã giúp tạo sự biến chuyển đột phá về dịch vụ công lĩnh vực đất đai, hỗ trợ giải quyết được 88.800 hồ sơ. Hải Phòng cũng đã đào tạo, tập huấn và đưa 2.450 Tổ công tác triển khai Đề án 06 và Tổ công nghệ số cộng đồng xuống từng ngõ, từng nhà hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Với việc nộp hồ sơ qua đường trực tuyến, người dân không phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước làm việc như trước đây.

Hướng thứ hai là tác động thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính. Hải Phòng liên tục xếp top đầu về cải cách hành chính, do đó chúng tôi triển khai phương án tổ chức các đoàn công tác liên ngành xuống các bộ phận một cửa để hướng dẫn cầm tay chỉ việc, sau đó kiểm tra, đánh giá xếp hạng. Qua đó, giúp các đơn vị khắc phục điểm yếu và đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến.

Hướng thứ ba của chúng tôi là đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Hải Phòng cũng là 1 đơn vị được lựa chọn là trọng tâm, trọng điểm trong triển khai Đề án này. Chúng tôi đã kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đó là 3 hướng Hải Phòng đã thực hiện. Còn về tổng thể, chúng tôi có xây dựng một hệ thống Dashboard để theo dõi tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Hằng tháng, qua theo dõi, Sở TT&TT gửi văn bản biểu dương những đơn vị có tỷ lệ cao và nhắc nhở các đơn vị thấp hoặc chưa đạt theo kế hoạch. Việc này cũng đã giúp cho các đơn vị thi đua, nhờ vậy Hải Phòng đạt mục tiêu đề ra.

Kết quả, cuối năm 2022, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố Hải Phòng đã đạt 62,2% vào cuối năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ này đạt trên 94%. Thành phố đã có 9 sở, ngành và 3 quận, huyện đạt tỷ lệ 100% hồ sơ trực tuyến. Trong năm nay, Hải Phòng sẽ hoàn thành việc đưa tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến lên mức cao nhất.

Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-hai-phong-nang-ty-le-ho-so-dich-vu-cong-truc-tuyen-tu-18-len-tren-94-2152470.html