Cách làm của huyện dẫn đầu cả tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP

Sau 2 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến cuối tháng 3-2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn. Riêng huyện Nga Sơn đã có 9 sản phẩm, trở thành đơn vị dẫn đầu cả tỉnh về số lượng. Để có được thành quả ấy, huyện đồng bằng ven biển này đã có những cách làm riêng.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo Đăng Khoa của huyện Nga Sơn được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Chương trình OCOP, huyện Nga Sơn cũng thành lập ban điều hành Chương trình OCOP cấp huyện để triển khai các nhiệm vụ liên quan. Từ những ngày đầu thực hiện chương trình, huyện Nga Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn lựa chọn sản phẩm để “nuôi dưỡng” theo các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Ngoài công tác tập huấn, huyện đã tổ chức cho lãnh đạo, cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn đi học tập kinh nghiệm tại các huyện Thọ Xuân và Vĩnh Lộc về cách thức tổ chức triển khai sản phẩm OCOP.

Đến nay, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều xác định được tầm quan trọng của việc được công nhận sản phẩm OCOP. Từ đó, UBND huyện và các địa phương trong huyện tiếp tục tập trung rà soát, nắm chắc các sản phẩm lợi thế để khuyến khích các HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cải tiến, nâng cao năng suất các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trên cơ sở các sản phẩm hiện có của các chủ thể, Hội đồng Đánh giá sản phẩm OCOP huyện Nga Sơn đã gợi ý cho các chủ thể sản xuất chọn ý tưởng sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, gắn với địa danh cụ thể.

Với những cách triển khai đúng hướng, phù hợp với thực tiễn, năm 2019, huyện Nga Sơn có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là chiếu thủ công Ngân Khương và thảm cói trải sàn Ngân Khương. Để khuyến khích các thủ thể sản xuất trong huyện tham gia Chương trình OCOP, từ năm 2020, huyện có chính sách hỗ trợ mỗi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 50 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong huyện đã hào hứng vào cuộc đồng hành cùng chính quyền địa phương. Trong 2 đợt bình xét sản phẩm OCOP của tỉnh trong năm qua, huyện đồng bằng ven biển này có thêm 7 sản phẩm OCOP. Trong đó, 2 sản phẩm dưa lưới và dưa vàng Vạn Hoa được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao. 3 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, gồm: đông trùng hạ thảo tươi Đăng Khoa, đông trùng hạ thảo khô Đăng Khoa và rượu đông trùng hạ thảo Đăng Khoa cũng được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Phát huy lợi thế từ cây cói, huyện có thêm 2 sản phẩm: bộ rổ cói 3 chiếc và bình cắm hoa bằng cói của Công ty CP sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Nga Sơn, cho rằng: Trong xây dựng sản phẩm OCOP, ngay từ đầu, chúng tôi xác định Nga Sơn là huyện có nhiều ưu thế, phải phát huy được điều này. Thời bao cấp, các sản phẩm từ cây cói của huyện Nga Sơn đã xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu. Đến nay, nhiều sản phẩm vẫn được duy trì và nâng cao chất lượng, mẫu mã. Theo đó, việc sản xuất của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã trở thành bài bản, truyền thống. Huyện đã chỉ đạo các xã bám sát các tiêu chí của sản phẩm OCOP để triển khai, nhất là quan tâm đến chất lượng, mẫu mã.

Cũng theo ông Huyên, việc đồng hành để giúp đỡ các chủ thể sản xuất có ý nghĩa quan trọng. Huyện đã giao phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn đấu mối, khảo sát các sản phẩm, nếu thấy có tiềm năng thành sản phẩm OCOP sẽ định hướng, hướng dẫn chủ thể sản xuất triển khai hồ sơ, thủ tục. Với nhiều hồ sơ, thủ tục, chính người của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện còn làm giúp hoặc cùng đồng hành với chủ thể sản xuất để triển khai theo đúng các yêu cầu và hướng dẫn của chương trình. “Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới với các sản phẩm trồng trọt, hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Thường mỗi sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP được hỗ trợ 50 triệu đồng; tuy nhiên, tùy điều kiện thực tế, như cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Đăng Khoa được hỗ trợ 150 triệu đồng do cơ sở này đầu tư nhiều tỷ đồng để mua sắm các máy móc hiện đại” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết thêm.

Năm 2021 này, cấp tỉnh chỉ đạo huyện Nga Sơn xây dựng thêm 1 sản phẩm OCOP, tuy nhiên trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả đạt được, huyện đang xây dựng các hồ sơ thủ tục để đề xuất 4 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, 1 sản phẩm dưa hấu và 1 sản phẩm là dưa chuột baby được trồng trong nhà lưới theo các quy chuẩn an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cach-lam-cua-huyen-dan-dau-ca-tinh-ve-so-luong-san-pham-ocop/133822.htm