Cách làm gối thuốc phòng chống bệnh cao huyết áp, viêm kết mạc, mất ngủ

Trong y học cổ truyền phương Đông gối thuốc (dược chẩm) là cách dùng dược thảo làm ruột gối để gối đầu nhằm phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, được lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian, được nhiều danh y ghi lại.

Cần lưu ý khi chọn gối để tránh gây những hậu quả không đáng có cho người dùng. Ảnh: minh họa

Gối thuốc chữa bệnh

Theo quan niệm của y học cổ truyền, đầu gáy là nơi hội tụ của các kinh dương, có rất nhiều huyệt vị quan trọng, liên quan mật thiết đến sự tuần hoàn của khí huyết và công năng hoạt động của các tạng phủ. Các dược vật chứa trong ruột gối sẽ cọ xát, tác động trực tiếp lên da và các huyệt vị vùng đầu cổ, thẩm thấu vào trong cơ thể mà phát huy tác dụng dược lý.

Mỗi loại gối có những công dụng khác nhau như sơ phong thanh nhiệt, thanh nhiệt giải độc, bình can tiềm dương, hoạt huyết thông mạch, an thần định trí, kiện não minh mục, thông lạc chỉ thống... thầy thuốc tùy bệnh mà chỉ định dùng dược liệu gì để chữa bệnh.

Về vỏ gối, ruột gối, nên chọn các loại vải bông, vải sợi nhằm đạt được yêu cầu mềm mại, thông thoáng và dễ hấp thụ chất thuốc (không dùng vải pha nilon, sợi hóa học).

Về trị liệu, tùy bệnh thầy thuốc sẽ chỉ định chọn hoa, lá, hạt, vỏ... của các dược thảo có tác dụng chữa bệnh. Các vị thuốc hay được dùng là dã cúc hoa (cúc hoa, hồng hoa, hoa cúc trắng, hoa cúc dại), bồ công anh, lá dâu, thảo quyết minh, vỏ đậu xanh, vỏ đậu đen, đương quy, xuyên khung, mộc hương, quế chi, từ thạch, phèn chua, thạch cao, địa long... cần được phơi hoặc sấy thật khô, tán vụn rồi cho vào vỏ ruột gối khâu kín lại để tránh ẩm mốc.

Một số công thức gối thuốc dễ làm

Bệnh cao huyết áp

Cúc hoa, đạm trúc diệp, tang diệp, sinh thạch cao, bạch thược, xuyên khung, từ thạch, mạn kinh tử, mộc hương, tằm sa, bạc hà, lượng vừa đủ nhồi vào trong vỏ ruột gối, mỗi ngày gối đầu ít nhất 6 giờ, 3 tháng là 1 liệu trình. Đây là phương gối thuốc do Lý Thời Trân sáng chế, giúp sơ phong thanh nhiệt, bình can tiềm dương, chủ trị cao huyết áp.

Thạch quyết minh, hoa cúc trắng, hồng hoa, lượng vừa đủ, sấy khô tán vụn nhồi làm ruột gối. công dụng: tiềm dương bình can, hoạt huyết an thần, giáng áp.

Phèn chua 300g, hoa cúc trắng và hạ khô thảo mỗi thứ 500, sấy khô tán vụn nhồi làm ruột gối. Công dụng: Thanh nhiệt bình can, an thần giáng áp.

Sinh thạch cao, từ thạch, cúc hoa, mộc hương, bạch thược, lá sương, lượng mỗi thứ vừa đủ, sấy khô tán vụn, nhồi làm ruột gối. Gối giúp thanh nhiệt bình can, dưỡng âm giáng áp. Mỗi ngày cần gối ít nhất 7 giờ.

Hoa cúc trắng lượng vừa đủ, sấy khô nhồi vào vỏ ruột gối. Giúp sơ phong thanh nhiệt, giáng áp minh mục, dùng thích hợp cho những người cao huyết áp có đau đầu nhiều.

Lá trà lượng vừa đủ, thái nhỏ, sấy khô, nhồi làn ruột gối, dùng để phòng bệnh cao huyết áp.

Mất ngủ

Cúc hoa 1000g, xuyên khung 400g, đan bì 200g, bạch chỉ 200g. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, nhồi làm ruột gối. Giúp sơ phong thanh nhiệt, hoạt huyết an thần, chuyên dùng chữa chứng mất ngủ.

Quy bản, long cốt, viễn trí, xương bồ, lượng vừa đủ, sấy khô tán nhỏ, nhồi làm ruột gối. Giúp dưỡng âm an thần, chuyên dùng để chữa suy nhược thần kinh và chứng mất ngủ, suy giảm trí nhớ.

Bệnh cột sống cổ

Đương quy, khương hoạt, cảo bảo, chế xuyên ô, hắc phụ phiến, xuyên khung, xích thược, hồng hoa, địa long, huyết kiệt, xương bồ, đăng tâm, tế tân, quế chi, đan sâm, phòng phong, lai phục tử, uy linh tiên, mỗi thứ 300g, nhũ hương và một dược mỗi thứ 200g, băng phiến 20g. Trừ băng phiến, các vị thuốc đem sấy khô tán nhỏ rồi nhồi cùng băng phiến làm ruột gối, mỗi ngày gối đầu từ 6 giờ trở lên, 3 tháng là 1 liệu trình. Tác dụng hoạt huyết tán ứ, thông kinh chỉ thống, chuyên dùng để chữa bệnh lý cột sống cổ như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, vẹo cổ...

Đau đầu

Cúc hoa, bạc hà, tang diệp, vỏ đậu xanh, lượng vừa đủ, sấy khô tán vụn, nhồi làm ruột gối, gối đầu ít nhất 8 giờ mỗi ngày, 1 tháng là 1 liệu trình. Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt, chỉ thống, chuyên dùng để chữa chứng mất ngủ.

Viêm kết mạc

Quyết minh tử 120g, tằm sa 120g, bồ công anh 120, sấy khô tán vụn, nhồi làm ruột gối, mỗi ngày gối đầu ít nhất 8 giờ. Giúp thanh nhiệt giải độc, chuyên dùng để chữa viêm kết mạc cấp tính.

Còn các loại gối thuốc khác như kháng nhược lão dược chẩm chữa hen suyễn, viêm khí phế quản, mất ngủ, đau đầu, nghiện thuốc lá; Cảnh chùy bảo kiện dược chẩm chữa đau nhức cổ, viêm quanh khớp vai, đau đầu, mất ngủ; Trà diệp chẩm, kiều mạch chẩm, tằm sa chẩm để chữa mất ngủ, giấc ngủ nhiều mộng mị...

Lưu ý gối thuốc có hiệu quả chậm, cần dùng với thời gian dài, nên người dùng phải kiên trì, liên tục, phải gối ít nhất 6 – 7 giờ/ngày (theo chỉ định của thầy thuốc), một liệu trình là 2-3 tuần liên tục. Gối thuốc phòng bệnh tích cực và hỗ trợ trị liệu, nhất là với các thể bệnh nặng, chủ yếu dùng cho các bệnh lý có liên quan đến đầu, mắt và mặt và hầu như không có tác dụng phụ.

Những lưu ý khi mua gối

Trên thị trường hiện đang bán nhiều loại gối vỏ đỗ xanh có tác dụng ráo mồ hôi đầu, dễ chịu; thông mũi, không đổ mồ hôi trộm, chống giật mình, ngủ sâu giấc cho trẻ sơ sinh; điều hòa máu lên não, hạn chế đau đầu, chống stress, thanh lọc độc tố và giải nhiệt cho người lớn.

Ngoài ra còn có gối dược thảo làm từ các loại lá hương nhu, đinh lăng, ngải cứu, thảo quyết minh (hạt muồng) … Tuy nhiên, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng vì nhiều sản phẩm nguyên liệu làm gối không xử lý chuẩn sẽ gây mùi khó chịu, bụi bẩn, hôi mốc của vỏ đậu, lá cây có thể gây kích thích đường hô hấp khiến trẻ bị viêm mũi, dị ứng, rôm sảy. Hoặc dùng một thời gian đã bụi bẩn, ẩm mốc, hôi (nhất là vỏ đậu xanh lại rất dễ sinh các con bọ nhỏ). Loại gối không bao bì, không rõ cơ sở sản xuất, giá rẻ, kèm theo chất lượng không đảm bảo, dùng không đúng cách có thể gây dị ứng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

Ngoài ra, cũng phải biết tùy bệnh mà chọn gối nằm. Ví như lá hương nhu chủ yếu dùng để giải cảm chứ không có tác dụng an thần, giảm stress, không thể chữa mồ hôi trộm hay chống giật mình cho trẻ. Các loại gối thảo dược lá đinh lăng, lá thuốc cứu, lá ngũ trảo… giúp người lớn nằm trị đau lưng nhưng liều lượng thế nào, và không phải ai cũng nằm được. Trẻ nhỏ càng không tùy tiện bỏ thảo dược vào gối nằm vì nếu dùng không đúng thành phần, liều lượng, độ tuổi… sẽ rất nguy hiểm.

Nguồn: Theo ThS. BS Hoàng Khánh Toàn/Gia đình xã hội

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/thuoc-hay/cach-lam-goi-thuoc-phong-chong-benh-cao-huyet-ap-viem-ket-mac-mat-ngu-d396541.html