Cách làm hay trong quản lý nước sinh hoạt ở Đồng Mộc

Từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều thôn, bản của Quảng Ninh đã được đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, do quản lý yếu kém, vận hành thiếu đồng bộ, nên một số công trình chưa thực sự phát huy hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) đã có nhiều cách làm sáng tạo để quản lý, vận hành hiệu quả công trình nước sinh hoạt tập trung, được nhân dân đồng thuận cao.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Mộc Chìu Quay Mằn kiểm tra đường ống nước tại bể trữ nước tập trung của thôn.

Thôn Đồng Mộc có 129 hộ dân sinh sống, trong đó 98% là người dân tộc Dao. Trước năm 2018, người dân trong thôn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là mùa khô. Trước nhu cầu chính đáng, cấp bách trên, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, thôn đã được quan tâm đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung với 1 bể chính dẫn nước từ thôn Pạc Sủi về 1 bể phụ và 2 téc nước tập trung để cấp nước cho các hộ dân trong thôn. Trong đó, nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, còn người dân đóng góp ngày công lao động. Sau hơn 5 tháng thi công, công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2019, cấp nước cho 121/129 hộ trong thôn.

Đây là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt, là niềm ước mơ từ nhiều năm nay của người dân, chính vì vậy, để công trình phát huy hiệu quả sau đầu tư, đảm bảo cung cấp đủ nước cho tất cả các hộ gia đình là điều mà lãnh đạo thôn Đồng Mộc trăn trở.

Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Mộc Chìu Quay Mằn, để thực hiện vận hành điều tiết nước đảm bảo, thôn Đồng Mộc đã tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân và thống nhất xây dựng quy chế quản lý và vận hành. Theo quy chế, thôn đã thống nhất thành lập tổ gồm có 2 người trách nhiệm và uy tín do dân đề cử để quản lý và vận hành chia nước, bảo đảm sử dụng nước hợp lý trong thôn. Đồng thời, thôn cũng chia thành 4 cụm dân cư.

Cụm 1 gồm 12 hộ sẽ lấy nước từ bể chính số 1 được lắp khóa tự động tại hộ gia đình. Cụm số 2 sẽ lấy nước từ bể phụ vào các ngày thứ 2 và thứ 5 hằng tuần. Cụm số 3 lấy nước từ téc nước tập trung vào ngày thứ 3 và thứ 6 hằng tuần. Cụm số 4 lấy nước từ téc nước tập trung vào ngày thứ 4 và thứ 7 hằng tuần. Còn ngày chủ nhật tích nước tại bể chính số 1.

Cứ luân phiên 2 ngày, các bể sẽ được cấp nước một lần và bình quân mỗi hộ sẽ được sử dụng từ 1-1,5m3 nước/ngày. Để điều tiết nước, hàng ngày tổ quản lý và chia nước phải đi kiểm tra đường ống, thực hiện khóa mở các van để nước dẫn về các bể, khi có sự cố thì cùng nhau hỗ trợ xử lý.

Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho tổ vận hành, quản lý và tu sửa đường ống nước khi có sự cố nhỏ xảy ra, chi bộ thôn cùng các hộ dân họp bàn và thống nhất chi trả cho việc quản lý và điều hành 400.000 đồng/người/tháng, mỗi người thực hiện trong 6 tháng. Nguồn kinh phí hỗ trợ do các hộ dân đóng góp là 50.000 đồng/hộ/năm.

Trên cơ sở thực tiễn, trong thôn có 4 bể, téc tập trung đặt tại 4 cụm dân cư, nước từ các bể, téc sẽ được dẫn về các hộ gia đình, nên trong quy chế, thôn cũng yêu cầu từng hộ dân phải có trách nhiệm tự quản lý, bảo quản đường ống dẫn nước về gia đình; có ý thức trong việc sử dụng nước hợp lý, tránh tình trạng lãng phí, để chảy tự do. Đồng thời, vận động mỗi hộ đầu tư téc hoặc bể tích để trữ, đảm bảo có đủ nước để phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Ông Tằng Văn Lềnh, xóm 1, thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, phấn khởi cho biết: Trước đây không có nước nên sinh hoạt khó khăn, giờ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh rồi người dân vui lắm. Hơn nữa, công trình lại do bà con đóng góp sức lao động, vì vậy chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ. Việc thành lập tổ quản lý, vận hành là rất cần thiết để đảm bảo nhà nào cũng có nước dùng, nên bà con trong thôn đều hoàn toàn nhất trí.

Được biết, hiện 100% hộ dân trong thôn Đồng Mộc đều có téc hoặc bể chứa để tích trữ nước, đảm bảo đủ nước phục vụ cho gia đình; 100% hộ đồng thuận việc đóng góp kinh phí để thực hiện quản lý, vận hành công trình. Đồng thời, ý thức của bà con trong việc sử dụng nước hợp lý, không để tình trạng lãng phí, chảy tự do cũng được nâng lên rõ rệt.

Ông Hoàng Văn Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ, khẳng định: Khi đưa vào vận hành công trình, thôn Đồng Mộc đã học hỏi kinh nghiệm các mô hình quản lý, vận hành ở các thôn, xã khác. Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, thôn đã áp dụng và đổi mới cách làm cho phù hợp. Đến nay, mô hình quản lý và vận hành công trình sau đầu tư của thôn bước đầu phát huy được hiệu quả. Quan trọng hơn là người dân trong thôn đã nâng cao ý thức, đồng thuận cùng chung tay quản lý, bảo vệ, đóng góp duy tu, bảo dưỡng công trình, phục vụ thiết thực cho đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201905/cach-lam-hay-trong-quan-ly-nuoc-sinh-hoat-o-dong-moc-2442219/