Cách lãnh đạo gây tranh cãi của ông chủ Facebook

Mark Zuckerberg tự nhận là người không thích giao phó trách nhiệm. CEO này muốn tham gia vào mọi việc trên công ty và nắm bắt được mọi thông tin.

Mark Zuckerberg thừa nhận mình là người không thích giao phó trách nhiệm. Ảnh: AP.

Xuất hiện trên podcast của Morning Brew Daily, Mark Zuckerberg cho biết một trong những nguyên tắc lãnh đạo "gây tranh cãi nhất" của mình với tư cách CEO doanh nghiệp là không thích giao phó trách nhiệm.

"Tôi nghĩ có lẽ một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất về phong cách lãnh đạo và quản lý của mình là không thực sự ủy quyền hoàn toàn cho bất cứ ai. Theo tôi, một người sáng lập nên đưa ra nhiều quyết định và tham gia vào nhiều thứ nhất có thể", ông nói.

Cùng với đó, CEO Meta cho rằng một nhà lãnh đạo cần phải hiểu rõ giới hạn của mình, để biết họ không nên hoặc không thể tham gia gì. Nếu tham gia vào một nhiệm vụ một cách nửa vời mà không nắm bắt đầy đủ thông tin, họ có thể gây phiền toái và khó khăn cho cấp dưới mà không mang lại giá trị thực sự.

Tuy nhiên, Zuckerberg cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có đội ngũ nhân sự đa dạng và xuất sắc trong doanh nghiệp. Dù có dành nhiều thời gian cho công việc, ông thừa nhận vẫn sẽ có những vấn đề quan trọng không thể thực hiện được và cần những nhân sự khác hỗ trợ.

Mark Zuckerberg thừa nhận phong cách lãnh đạo của mình là một vấn đề gây tranh cãi. Ảnh: CNBC

Bên cạnh đó, nhà sáng lập Facebook chia sẻ rằng ông cảm thấy tự tin hơn và có khả năng chuyên sâu vào nhiều khía cạnh của công việc. Đồng thời, ông có thể đưa ra quan điểm cá nhân để định hình và đẩy mạnh công việc theo hướng mà ông nghĩ là đúng.

"Dù không phải mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ ngay từ đầu, qua việc học hỏi từ kinh nghiệm, sửa sai và lặp lại quá trình làm việc hiệu quả, tôi tin rằng sẽ đạt được thành công”, Zuckerberg nói thêm.

Những năm gần đây, một số khía cạnh khác trong phương pháp quản lý của Zuckerberg tại Meta được soi xét kỹ, đặc biệt trong đợt cắt giảm nhân sự lớn gây ảnh hưởng đến hơn 20.000 người lao động.

Nói về lý do sa thải nhân sự, CEO Meta cho biết ông đã có những đánh giá không đúng thời điểm về các phi vụ đầu tư lớn, bao gồm công nghệ vũ trụ ảo (metaverse).

Theo đó, công ty cần phải cắt giảm nhân sự sau khi tuyển dụng quá mức trong giai đoạn bùng nổ công nghệ và thương mại điện tử trong đại dịch.

Năm 2023, Zuckerberg tiếp tục sa thải, bao gồm loạt bỏ một số cấp quản lý, với mong muốn làm tinh gọn cho bộ máy nhân sự của Meta.

Trong một phiên hỏi đáp với nhân viên vào thời điểm đó, Zuckerberg bày tỏ quan điểm không muốn có một bộ máy quá phức tạp, có nhiều tầng lớp quản lý mà không kết nối trực tiếp với người thực hiện công việc.

Thay vào đó, CEO này ưu tiên sự linh hoạt trong giao tiếp và quản lý, nhấn mạnh sự cần thiết của một cấu trúc quản lý đơn giản, hiệu quả và có thể tương tác trực tiếp với nhóm làm việc.

Elon Musk cũng thường xuyên bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo của mình. Ảnh: Britannica

Không chỉ Mark Zuckerberg, Elon Musk cũng là một nhà quản lý thường xuyên bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo của mình.

Trên một bài viết được đăng tải vào 14/12 trên nền tảng Linkedin, Jann Eicker, một nhà tư vấn và phát triển kỹ năng lãnh đạo, đã chỉ ra những phong cách điều hành gây tranh cãi của ông chủ SpaceX.

Điển hình là việc Elon Musk thường xuyên đưa ra các quyết định đột ngột và gây tranh cãi. Điều này thể hiện sự thiếu chắc chắn, cũng như gây hiểu lầm với nhân viên và các nhà đầu tư.

“Một số người coi cách lãnh đạo của Musk là quá đòi hỏi và khắc nghiệt. Ông cũng bị chỉ trích vì cách xử lý thông tin nhạy cảm và tin mật, ví dụ như việc đăng tweet về hiệu suất tài chính của Tesla trước khi công bố công khai”, Eicker viết.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-lanh-dao-gay-tranh-cai-cua-ong-chu-facebook-post1461201.html