Cách ly là 'vũ khí' tối quan trọng chống đại dịch Covid-19

Với phương châm và là nguyên tắc nhất quán 'chống dịch như chống giặc', chúng ta đã triển khai những biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), trong đó cách ly các trường hợp mắc và nghi mắc bệnh được xem là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng.

Việc những người trở về từ vùng dịch tự nguyện thực hiện nghiêm túc việc cách ly là thể hiện trách nhiệm, tình cảm với cộng đồng, trong đó có chính người thân của mình

Việc những người trở về từ vùng dịch tự nguyện thực hiện nghiêm túc việc cách ly là thể hiện trách nhiệm, tình cảm với cộng đồng, trong đó có chính người thân của mình

Thực tế chứng minh hiệu quả của biện pháp cách ly

Kể từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, các quốc gia và vùng lãnh thổ tùy theo điều kiện, tiềm lực của mình đã triển khai các biện pháp khác nhau để ứng phó. Trong đó, việc phát hiện sớm, cách ly ngay và triệt để những trường hợp mắc, nghi nhiễm và tiếp xúc gần với người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) gây bệnh Covid-19 được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng đã khẳng định là biện pháp hiệu quả bậc nhất cho tới lúc này để nhanh chóng khoanh vùng, khống chế và không để dịch lây lan rộng thêm.

Trung Quốc sau khi chính thức công bố dịch bệnh tại tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã phong tỏa nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với thành phố là một trung tâm công nghiệp có tới 11 triệu dân này. Biện pháp này cũng triển khai với “liều lượng” khác nhau ở nhiều thành phố, địa phương khác ở Trung Quốc, kể cả hai đại đô thị Bắc Kinh và Thượng Hải được đánh giá là góp phần rất quan trọng để nước này có thể khống chế đại dịch Covid-19, giảm số lượng người mắc từ hàng nghìn trường hợp mỗi ngày cùng hàng trăm trường hợp tử vong xuống chỉ còn trên dưới 10 người mắc và tử vong mỗi ngày chỉ sau hơn 2 tháng.

Các quốc gia châu Âu và Mỹ lúc đầu còn nhìn nhận và có những quan điểm khác nhau về biện pháp phong tỏa, cách ly để chống dịch Covid-19 thì nay đã thay đổi hoàn toàn. Trong động thái được cho là hành động phong tỏa, cách ly mạnh mẽ, Liên minh châu Âu (EU) tối 17-3 đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối giữa lúc nhiều quốc gia thành viên đã chọn giải pháp phong tỏa cả một thành phố hay khu vực có dịch.

Là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ bên ngoài, Việt Nam đã triển khai ngay việc cách ly khu vực có người mắc bệnh như tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) hay phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội)… Biện pháp mạnh mẽ này đã chứng minh hiệu quả khi các ca mắc Covid-19 tại nước ta cho tới lúc này đều là từ nước ngoài về hoặc lây nhiễm trong thời gian người bên ngoài về ủ bệnh, chưa có bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Đã có những ý kiến cho rằng vì sao những trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều từ nước ngoài về trong nước mà chúng ta không đóng cửa biên giới, ngừng bay quốc tế…? Đây đúng không phải là vấn đề dễ dàng trong bối cảnh giao lưu quốc tế hiện nay, đặc biệt là những người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài có nguyện vọng trở về nước, trở về bên người thân và gia đình trong lúc khó khăn dịch bệnh hiện nay.

Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 18-3 rằng, những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì “dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể”. Phó Thủ tướng khẳng định: “Đấy là nghĩa đồng bào”.

Thực hiện nghiêm việc cách ly là trách nhiệm, tình cảm

Dang rộng vòng tay đón người Việt trở về trong lúc khó khăn hiện nay chính là “nghĩa đồng bào”, một truyền thống tương thân tương ái cao đẹp của dân tộc từ nghìn đời, điều khiến cho mọi người “con Lạc cháu Hồng” dù đi bốn phương trời nhưng luôn nhớ về “nơi chôn rau cắt rốn”, luôn mong mỏi “lá rụng về cội”. Chỉ có điều, trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới hiện nay, chúng ta cũng rất cần đảm bảo an toàn cho người dân, đồng bào trở trong nước.

Chính vì thế, “chung lưng đấu cật”, san sẻ khó khăn giai đoạn “chống dịch như chống giặc” hiện nay, mỗi người đều phải biết nhường nhịn, hy sinh, đặt cái tôi, lợi ích cá nhân xuống dưới lợi ích của cộng đồng, nhân dân và của đất nước. “Mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người”, những người trở về từ vùng dịch Covid-19 cần thực hiện cách ly 14 ngày trước khi trở về với người thân, gia đình bởi sự nguy hiểm bậc nhất của dịch Covid-19 là trong thời gian ủ bệnh 14 ngày thì người nhiễm không có bất cứ biểu hiện nào ra bên ngoài để có thể phát hiện, ngăn ngừa.

Đáng tiếc là thời gian vừa qua, khi thực hiện biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ sự an toàn cho đất nước và mọi người dân thì lại có một số ít những người phản ứng, bất hợp tác, thậm chí chống đối ở mức độ nhất định. Những sự việc như phản ứng của nhóm người Hàn Quốc bị cách ly tại Đà Nẵng hay những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Khắc Tiệp không chỉ gây dư luận xấu mà còn có thể làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội.

Đặc biệt, sự khai báo gian dối để né tránh cách ly đã gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho cộng đồng và cho chính người thân của mình. Sự gian dối trốn tránh cách ly của các trường hợp này đã làm dịch bệnh lây lan rộng, khiến hàng chục người khác nhiễm bệnh và hàng trăm người khác bị ảnh hưởng bởi phải cách ly để phòng chống dịch.

Vì sự an toàn của chính người thân những người mắc bệnh, của cộng đồng và sự an toàn của cả đất nước, tính tới nay đã cách ly gần 32.000 người mắc bệnh, tiếp xúc gần với người mắc bệnh và người trở về từ vùng dịch Covid-19. Cho dù điều kiện đất nước còn hạn chế song Nhà nước đã cố gắng để đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho tất cả những người cách ly để phòng chống dịch bệnh.

Nhằm tiếp tục thực hiện biện pháp được cho là hiệu quả bậc nhất để phòng chống dịch Covid-19, các địa phương trên cả nước đều đã thiết lập và dự phòng các cơ sở cách ly tập trung. Trong đó, quân đội là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Theo kế hoạch mới nhất, quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ, trong khi tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ.

Tính đến sáng 18-3, quân đội đang cách ly 6.986 người. Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định.

Chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trong đó có biện pháp quan trọng và hiệu quả bậc nhất là cách ly những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm và trở về từ vùng dịch. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo quy định chính là thể hiện trách nhiệm, tình cảm với người dân và đất nước trong lúc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát hiện nay.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cach-ly-la-vu-khi-toi-quan-trong-chong-dai-dich-covid19/847194.antd