'Cách ly riêng quận Gò Vấp là chưa có tiền lệ, nhiều thách thức'

'Việc cách ly riêng một quận là Gò Vấp chưa có tiền lệ, còn nhiều thách thức. TP cần tính toán, xem xét kỹ lưỡng và có nhiều biện pháp quyết liệt hơn', ông Nguyễn Thành Phong nói.

Sáng 1/6, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM. Cùng dự có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và đại diện của nhiều bộ, ngành.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố vừa phát hiện thêm 51 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm nCoV từ 27/5 đến nay lên 200.

3 chuỗi lây nhiễm

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong xác định TP.HCM có cơ sở kiểm soát 3 chuỗi lây nhiễm, riêng chuỗi lây nhiễm từ hội nhóm truyền giáo Phục Hưng đáng quan ngại nhất.

Trước đó, nhóm này chỉ khai báo 20 thành viên nhưng đến chiều 31/5, thành mới phát hiện nhóm này có đến 55 thành viên. Trong đó có 40 thành viên là F1. Chuỗi này đến nay đã rải khắp 22 quận, huyện toàn TP

Theo đó, các biện pháp cách ly xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 và 16 đang triển khai. Trong cuộc họp chiều 31/5, ông Phong cho biết đã cùng các bộ ngành đã đưa ra nhiều biện pháp chuẩn bị, hỗ trợ quận Gò Vấp ứng phó dịch.

“Trước đó, chúng ta đã thực hiện cách ly xã hội diện toàn thành phố, tuy nhiên, hiện nay, việc cách ly riêng một quận là Gò Vấp chưa có tiền lệ và còn nhiều thách thức. TP cần tính toán, xem xét kỹ lưỡng và có nhiều biện pháp quyết liệt hơn”, ông Phong nói.

Ông Phong cho biết TP.HCM đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm toàn địa bàn. Đến nay, TP đã lấy hơn 70.000-80.0000 mẫu xét nghiệm đơn.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Đ.X.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Đ.X.

Trước con số thống kê khoảng 7,2 triệu người trên 18 tuổi hiện nay, ông Phong nhận định TP hiện chỉ có thể đáp ứng 1,6 triệu liều.

Do đó, để mức độ phòng chống dịch được nâng cao, kết hợp thông điệp 5K, ông Phong cho rằng vấn đề cung ứng, phổ biến nguồn vaccine là rất cần thiết. Theo đó, ông Phong kiến nghị Chính phủ, đề xuất Bộ Y tế có kiểm duyệt đầy đủ về chất lượng vaccine, riêng phương thức thanh toán TP.HCM sẽ hoàn toàn chi trả.

Xét nghiệm diện rộng ở quận Gò Vấp

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện TP có tổng cộng 538 bệnh nhân. Riêng từ 27/4 đến nay, TP phát hiện 208 ca dương tính.

Đầu tiên là trường hợp về từ Hà Nam ngày 29/4. Hai trường hợp phát hiện tại một công ty tại quận 3, có người về từ Hải Phong. Ổ dịch tại quán bánh canh quận 3 với 5 trường hợp, đến nay chưa phát hiện nguồn lây. Ba chuỗi lây nhiễm này không phát sinh ca nhiễm mới từ 25/5 tới nay.

Chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã lên đến 200 ca. Qua điều tra, ngành y tế phát hiện có một bệnh nhân trong chuỗi này từng đi Hà Nội, về TP.HCM vào 29/4.

Lúc đầu, hội thánh này khai báo chỉ có 20 thành viên. Qua điều tra, thành phố phát hiện nhóm tôn giáo này có 55 trường hợp, trong đó 40 người đã dương tính với nCoV. Qua điều tra dịch tễ, ngày 13/5, người từng đi Hà Nội về của nhóm có triệu chứng. Ngày 16/5 và 23/5 nhóm có sinh hoạt tôn giáo.

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 1/6, TP có 200 ca mắc liên quan đến ổ dịch đã được Bộ Y tế công bố. Từ 18h tối 31/5 đến sáng nay, TP.HCM phát hiện thêm 11 ca nhiễm.

"Như vậy, số ca nhiễm đã giảm", ông Bỉnh nhận định.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: Đ.X.

Đến sáng cùng ngày, số F1 trên toàn thành phố là 3.028 người, F2 là 15.206. Thành phố đã mở rộng xét nghiệm cho 181.000 người - xét nghiệm trên diện rộng cả khu phố, tổ bầu cử, và các phường có nhiều ca bệnh tại quận Gò Vấp (hơn 150.000 mẫu).

Hiện, 20/22 địa phương ở thành phố có ca nhiễm, trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Nhiều nhất là Gò Vấp với 52 ca. Kết quả giải trình tự gene của 5 ca bệnh đầu tiên xác định mang biến chủng Ấn Độ.

"Trung bình 1 người lan ra 5 người. Những ngày tới số ca nhiễm còn tăng, nhưng phần lớn trong khu cách ly", ông Bỉnh nói.

Ông dẫn chứng một số cơ sở lao động phát sinh nhiều ca nhiễm và nhận định các môi trường này tỷ lệ lây rất cao vì môi trường kín, thường mở máy lạnh.

Ví dụ, liên quan một xí nghiệp ở Phổ Quang, ngành y tế phát hiện 5 ca từ một nhân viên của hội thánh làm trong quán phục vụ đồ uống và lan ra 3 người khác.

Nói về giải pháp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là tăng năng lực xét nghiệm lên 50.000 mẫu/ngày (F1 làm mẫu đơn, F2 làm mẫu gộp 5 người).

Ông Bỉnh cho biết hiện ngành đã lấy mẫu toàn dân tại 4 phường của quận Gò Vấp, qua đó, phát hiện 2-3 khu phố có 5-10 ca nhiễm. Sắp tới, ngành y tế sẽ lấy mẫu mở rộng với 10/16 phường có ca nhiễm tại quận Gò Vấp.

Về năng lực cách ly, thành phố đã tái lập khu cách ly tại các trường đại học để nâng công suất. HCDC đang triển khai kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp để lấy mẫu xét nghiệm ở nơi có nguy cơ cao. Ngành y tế thực hiện song song hai mũi rà soát diện rộng là trong cộng đồng và khu công nghiệp.

Về năng lực điều trị, dù đang có 200 ca nhưng thành phố đã chuẩn bị năng lực điều trị lên 1.000 giường và đang lập phương án 3.000 giường. Ông Bỉnh khẳng định sẽ không để người nhiễm điều trị chung với bệnh nhân tại các bệnh viện khác mà sẽ chữa trị tại khu riêng.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 1/6. Ảnh: Đ.X.

Trong tình hình dịch lây lan, Giám đốc Sở Y tế cho rằng việc tăng cường xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Hiện, Bộ Y tế đã cho phép làm test nhanh nhưng thành phố vẫn xét nghiệm PCR cho trường hợp nguy cơ cao.

Về giải pháp lâu dài, Sở Y tế khẳng định quan trọng nhất là vaccine. Đợt tới cả nhân viên y tế, cả khu vực công và tư sẽ được tiêm đủ vaccine. Theo ông Bỉnh, gần đây, nhiều ca nhiễm ở các bệnh viện, khu phòng khám được phát hiện qua sàng lọc.

Đề xuất tập huấn công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TP.HCM phải giãn cách nghiêm hơn vì lần này không giống lần trước. Ông cho rằng việc TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 với quận Gò Vấp và một phần quận 12 là rất đúng nhưng phải làm mạnh hơn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc trong kiểm soát dịch.

Ông đề xuất thành phố có thể làm như Bắc Giang, tập huấn cho công nhân tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh. TP.HCM đang quá đặt nặng xét nghiệm PCR, trong khi đó, Bộ Y tế đã khẳng định kháng nguyên nhanh có thể dùng được. Ông Long đề nghị thành phố áp dụng biệt pháp này để rà soát nhanh khu công nghiệp, áp dụng nhiều còn hơn bỏ sót.

Về vaccine, Bộ trưởng Long cho biết Thủ tướng đã bổ sung đối tượng công nhân vào nhóm ưu tiên tiêm. Tuy nhiên, nguồn cung hiện đang rất khó khăn. Bộ đã đưa thông điệp phải đẩy nhanh tốc độ chuyển vaccine về nước sớm hơn. Dù Việt Nam đã đặt mua 100 triệu liều nhưng phải đến cuối năm mới có.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận TP.HCM đã có động thái quyết liệt để ngăn dịch lây lan.

“Dù có thể còn phát hiện nhiều trường hợp lây nhiễm, nhưng với những giải pháp cứng rắn hiện tại, tôi tin chúng ta có thể chủ động kiểm soát tình hình, không để hoang mang xã hội”, Phó thủ tướng nói.

Nhìn nhận quá trình phòng chống dịch thời gian qua của cả nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần đánh giá lại cách kiểm soát quản lý các nhóm sinh hoạt mê tín, cuồng tín hay không phải sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng có cơ sở. Ông yêu cầu kích hoạt mạnh mẽ hệ thống chính trị, vai trò từ những người đứng đầu phường, quận cho đến thành phố...

Người Gò Vấp xếp hàng dài 1 km chờ lấy mẫu xét nghiệm Người dân phường 14, quận Gò Vấp (TP.HCM), xếp hàng dài trên đường Phan Huy Ích, chờ lấy mẫu xét nghiệm nCoV đêm 31/5. Nhiều người mang theo ghế ngồi vì phải chờ quá lâu.

Lập lại chốt chặn ở Gò Vấp: Nhiều người bối rối tìm đường về nhà Đêm 31/5, lực lượng chức năng thiết lập lại các chốt chặn trên địa bàn Gò Vấp. Nhiều người bối rối tìm đường ra khỏi quận nhưng không được.

Thu Hằng - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-ly-rieng-quan-go-vap-la-chua-co-tien-le-nhieu-thach-thuc-post1210695.html